|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhu cầu du lịch của người Việt tiếp tục gia tăng vào năm 2025

07:55 | 08/12/2024
Chia sẻ
Báo cáo mới nhất từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda (Agoda), du lịch vẫn là sở thích của nhiều gia đình Việt; chuyến đi cùng gia đình, bạn bè là điều quan trọng nên khách hàng sẵn sàng chi tiêu.

Theo kết quả nghiên cứu khảo sát gần đây của một số đơn vị nghiên cứu khảo sát du lịch, ngược chiều với dự báo người Việt đang thắt chặt chi tiêu không thiết yếu trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhu cầu du lịch của người Việt tiếp tục gia tăng vào năm 2025.

Điển hình, báo cáo nghiên cứu từ Cimigo (đơn vị cung cấp các báo cáo nghiên cứu thị trường về các lĩnh vực thị trường và phân khúc người tiêu dùng tại Việt Nam), khách du lịch Việt Nam ưu tiên các lựa chọn tiết kiệm chi phí, nhất là khi lựa chọn chỗ ở cho chuyến du lịch của cá nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa lựa chọn lưu trú sang trọng và tối ưu chi phí cho thấy, người Việt ưu tiên tìm kiếm những ưu đãi hấp dẫn, đáng giá. Điều này cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của những nền tảng du lịch trong việc cung cấp các dịch vụ giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

Báo cáo mới nhất từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda (Agoda), du lịch vẫn là sở thích của nhiều gia đình Việt; chuyến đi cùng gia đình, bạn bè là điều quan trọng nên khách hàng sẵn sàng chi tiêu để tận hưởng những trải nghiệm ý nghĩa này.

Cụ thể, có 90% du khách Việt đã kế hoạch ngân sách du lịch năm 2025 ở mức tương đương hoặc nhiều hơn so với năm 2024. Dữ liệu Agoda còn chỉ ra rằng, có 86% dự định duy trì hoặc tăng số lượng chuyến đi so với năm 2024; chỉ 14% cho biết sẽ giảm số lần đi du lịch trong năm tới.

Đáng chú ý, có 94% người tham gia khảo sát nhận định 2025 sẽ là "năm mới, điểm đến mới" cả trong nước và quốc tế, thay vì quay lại những điểm đến quen thuộc.

Liên quan đến thị hiếu du lịch của người Việt, ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Quốc gia Agoda Việt Nam chia sẻ, mặc dù nguồn tài chính thắt chặt hơn, nhưng du khách Việt vẫn ưu tiên những trải nghiệm mang giá trị tinh thần bên gia đình và bạn bè cao hơn so với vấn đề chi tiêu.

Với mong muốn khám phá điểm đến mới, cả trong nước và quốc tế, du khách Việt đã cho thấy sự gia tăng trong xu hướng lựa chọn loại hình du lịch khám phá, mang lại giá trị đáng kể.

Năm 2024, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đón 446 nghìn lượt khách trong và ngoài nước. (Ảnh: TTXVN/Đoàn Hữu Trung).

Ở góc độ địa phương, năm 2024, TP HCM đã thu hút 45 triệu lượt khách (quốc tế đạt 6 triệu lượt và nội địa đạt 38 triệu lượt), tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 là 160.000 tỷ đồng), đạt 100% so với kế hoạch năm 2024.

Những con số này đã minh chứng cho ngành du lịch TP HCM phục hồi nhanh, cũng như chuyển mình mạnh mẽ để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nhằm tiếp tục kích cầu thị trường du lịch cuối năm 2024 và tiếp nối năm 2025, ngành du lịch đưa ra mục tiêu phấn đấu tổ chức hoạt động sự kiện, lễ hội và kích cầu định kỳ, thường niên, nhằm thu hút du khách đến với Thành phố và xây dựng thương hiệu cho du lịch.

Cụ thể, ngay từ đầu tháng 12, chuỗi chương trình Tuần lễ du lịch TP HCM lần 4 năm 2024, với chủ đề “Sống động mùa lễ hội” đã được tổ chức, liên kết giá trị gắn kết du lịch - văn hoá - thể thao.

Hay từ 5-7/12, ngành du lịch TP HCM cũng đón đoàn 1.000 khách của Công ty Dược phẩm JB Pharma đến từ Ấn Độ. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường MICE (loại hình du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng…) quốc tế đã bắt đầu có những chuyển động khởi sắc trở lại và TP HCM đã trở thành điểm đến được khách du lịch quốc tế quan tâm.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, ngành du lịch đã nỗ lực xây dựng đa dạng sản phẩm đặc trưng để du khách đến khám phá một đô thị phương Đông đang trên con đường hiện đại hóa và hội nhập nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng.

Ngành du lịch TP HCM, không chỉ hướng tới khai thác tiềm năng du lịch, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các điểm tham quan trên địa bàn và những địa phương lân cận, còn tạo sân chơi sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

Tất cả những giải pháp này hướng đến tầm nhìn đưa TP HCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu Châu Á, nơi du khách trong và ngoài nước được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, lối sống trong một Thành phố thông minh, mang đến sự hứng khởi trên mỗi hành trình.

Mỹ Phương