Nhóm công tác thị trường vốn VBF: Đề xuất xóa bỏ yêu cầu có sẵn tiền và chứng khoán trước giao dịch
NVDR gỡ khó cho sở hữu nước ngoài
Nhóm công tác đề xuất trực tiếp sửa đổi Điều 23, Luật Đầu tư hiện hành đề cập đến nhà đầu tư nước ngoài như sau:
Cụ thể, công ty phải đáp ứng điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đáp ứng 3 điều kiện:
Một cổ đông/thành viên là nhà đầu tư nước ngoài và những người liên quan của cổ đông, thành viên này sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 35% tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành hoặc vốn điều lệ tại công ty;
Các cổ đông/thành viên là nhà đầu tư nước ngoài cùng nhau sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành hoặc vốn điều lệ tại công ty (sau đây là tổng sở hữu nước ngoài); và
Tổng sở hữu nước ngoài của công ty được liên tục duy trì trong vòng một năm.
Nhóm công tác cũng đề xuất giải pháp tối ưu cho sở hữu nước ngoài tại công ty niêm yết tại Việt Nam là Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Điều này cho phép Chính phủ duy trì được tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện hành và đồng thời kiểm soát được công ty thông qua cơ chế bỏ phiếu của tổ chức phát hành NVDR. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào các công ty niêm yết bị hạn chế sở hữu nước ngoài thông qua NVDR.
Triển khai quỹ hưu trí cần hướng dẫn về thuế
Về vấn đề nhà đầu tư tổ chức trong nước, Nhóm cho rằng việc lập quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện là nhân tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhà đầu tư tổ chức trên TTCK Việt Nam.
Trong tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã cấp giấy phép để cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Tuy nhiên việc đưa ra công chúng các gói sản phẩm hưu trí bổ sung tự nguyện chưa thực hiện được do thiếu các hướng dẫn về thuế đối với các sản phẩm này.
Cụ thể chưa có hướng dẫn về việc miễn thuế hoặc thuế xuất ưu đãi áp dụng cho kết quả đầu tư của quỹ, cho các quản chi trả từ quỹ tới người đầu tư trong các trường hợp khác nhau (rút trước khi đến tuổi nghỉ hưu, rút một hoặc nhiều lần khi tới tuổi nghỉ hưu, dừng tham gia chương trình hoặc thay đổi nơi làm việc…).
Bên cạnh đó mức ưu đãi thuế đối với các khoản đóng góp vào quỹ được xem là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, đang được đánh giá là chưa phù hợp để khuyến khích các đối tượng tham gia, Nhóm công tác nêu. Qua đó nhóm mong muốn Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chính sách thuế đối với quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) giữa kỳ 2019 (Ảnh: BM)
Đề xuất xóa bỏ yêu cầu có sẵn tiền và chứng khoán trước giao dịch
Đối với các quy định về giao dịch, việc yêu cầu phải có sẵn tiền và chứng khoán trước giao dịch (pre-funding) có nhiều bất cập.
Mục đích của quy định này nhằm quản lý, ngăn chặn rủi ro phát sinh từ giao dịch, tuy nhiên đối tượng áp dụng hiện tại bao gồm cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán là quá mức cần thiết.
Nhóm cũng cho biết là điều này cũng trái với thông lệ quốc tế (chỉ áp dụng đối với công ty chứng khoán) vì việc áp dụng quy định này với nhà đầu tư là can thiệp quá sâu và vi mô tới thỏa thuận thương mại giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Quy định trên cũng khiến cho thanh khoản thị trường giảm, đồng thời làm giảm chức năng, sự linh hoạt của các công ty chứng khoán. Làm tăng chi phí giao dịch với nhà đầu tư mà đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài do phải chịu chi phí lớn do chuyển đổi ngoại tệ để giao dịch.
Nhóm công tác đề xuất Chính phủ có giải pháp và lộ trình cho việc xóa bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch, đồng thời vẫn duy trì an toàn giao dịch cho thị trường.
Thành lập Ngân hàng thanh toán tiền trung tâm đối với giao dịch chứng khoán, phái sinh thuộc Chính phủ
Nhóm công tác thị trường vốn cũng đưa lên đề xuất Chính phủ có lộ trình thành lập Ngân hàng thanh toán tiền trung tâm đối với các giao dịch chứng khoán, phái sinh trực thuộc Chính phủ nhằm:
Giảm thiểu rủi ro cho thị trường chứng khoán;
Tăng thu cho Ngân sách Nhà nước qua việc thu phí giao dịch;
Và tăng tính minh bạch và bình đẳng cho thị trường.
Theo mô hình thanh toán hiện nay, ngân hàng sẽ thanh toán tiền đối với các giao dịch chứng khoán là BIDV; ngân hàng thanh toán tiền đối với giao dịch chứng khoán phái sinh là Vietinbank và ngân hàng thanh toán tiền đối với giao dịch trái phiếu Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước.
Đề xuất bãi bỏ công bố thông tin người sở hữu trái phiếu phát hành riêng lẻ
Đối với thị trường nợ, Nhóm công tác đề xuất sửa đổi Nghị định 163/2018 để cho phép các tổ chức phát hành chỉ cần công bố các điều khoản và điều kiện cơ bản của trái phiếu (kỳ hạn, mệnh giá, lãi suất, thanh toán gốc, lãi) trên chuyên trang về trái phiếu doanh nghiệp (hiện tại chưa có nên vẫn công bố thông tin trên HNX và HSX). Các điều khoản và điều kiện khác của trái phiếu sẽ tuân theo thỏa thuận riêng được ký kết giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư mà không cần công bố trên các Sở GDCK trước khi phát hành trái phiếu.
Nhóm công tác cho rằng những quy định hiện nay như công bố thông tin chi tiết ít nhất 10 ngày làm việc trước khi phát hành là không hợp lý và khó khả thi trong thực tế. Ngoài ra điều này cũng cản trở việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đồng thời dẫn doanh nghiệp đến tình trạng "bất tuân thủ" vì không thể thực hiện nổi yêu cầu này…
Nhóm cũng đề xuất bãi bỏ quy định bắt buộc công bố thông tin về người sở hữu trái phiếu đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, vì điều này đi ngược bản chất của phát hành trái phiếu, ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến việc bảo mật thông tin các nhà đầu tư trái phiếu và danh mục đầu tư của họ.
Đối với quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), nhưng chỉ áp dụng trong vòng một năm kể từ khi hoàn thành đợt phát hành.
Nhóm cho rằng điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng để bán lại trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân mà không phải đáp ứng các điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng (khắt khe hơn rất nhiều). Mặt khác, sau thời hạn một năm kể tư khi phát hành, tình trạng tài chính của tổ chức phát hành có thể biến động và các nhà đầu tư cá nhân sẽ không đủ thời gian và hiểu biết để lường được hết các rủi ro có thể xảy ra.
Nhóm đề xuất việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu và trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.