|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhọc nhằn khởi nghiệp

08:16 | 02/02/2018
Chia sẻ
Tuân thủ những quy định hiện hành đã khó khăn và phức tạp như vậy. Nhưng có những tuân thủ khác còn phức tạp hơn, thêm chi phí thậm chí nhiều hơn.

Hà Thủy - chủ một tiệm may trên con phố chính của Thủ đô - như đã thành thông lệ, việc đầu tiên sau khi dọn hàng buổi sáng là cô lại thắp nén nhang lên bàn thờ thần tài. Thường là ban thờ chỉ bày biện đơn sơ hoa quả, nhưng hôm nay vào dịp rằm tháng Chạp nên có thêm đĩa xôi gấc và khoanh giò lụa.

Cô thành kính cầu cho kinh doanh phát đạt, dù đức tin này đã dần mai một qua thời gian. Ngồi lơ đãng nhìn ra con phố giờ đây đã tấp nập người đi sắm Tết, Thủy chép miệng thở dài cho nỗi cửa hàng ngày càng vắng khách.

nhoc nhan khoi nghiep
(ảnh minh họa)

Cách đây khoảng 6-7 năm, Thủy và 2 cô bạn thân hùn hạp mở chuỗi cửa hàng may và thêu tay phục vụ cho các quý bà ưa lịch lãm kiểu truyền thống. Với phong cách mới mẻ, sang trọng, phù hợp cho các chị lớn tuổi mặc trong dịp lễ lạt, nên thời gian đầu các cửa hàng này làm ăn rất phát đạt, nhanh chóng phát triển đến 4 cửa hàng ở các phố trung tâm. Phục vụ cho chuỗi cửa hàng này là 7 nhân viên đo và cắt may tại chỗ, hai hộ làm nghề truyền thống về thêu hoa... Phần mềm giám sát hoạt động và theo dõi doanh thu được đầu tư, cập nhật lợi nhuận từng giây phút...

Trong dự định của Thủy và các đồng sự, mô hình kinh doanh này có thể phát triển thêm ra một số tỉnh, thành phố nếu tiếp tục thuận lợi. Khoảng 2 năm về trước, chuỗi cửa hàng này chuyển đổi mô hình thành DN để bắt đầu cho chiến lược trên. Tuy nhiên, mọi sự không tuần tự tiến triển như vậy.

Nhiều cửa hàng tương tự mọc lên ngay gần các cửa hàng của Thủy, cạnh tranh trực diện. Rồi hàng Trung Quốc giá rẻ hơn cũng bắt đầu tràn vào cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thủ công giá cao của DN này. Không chỉ giá rẻ hơn mà mẫu mã đa dạng và có thể thử, lấy ngay nếu ưng… Khách hàng quen dần bị mất đi, bạn làm ăn rời bỏ. Thủy đăng ký ngừng hoạt động DN và giờ đây chỉ còn một mình điều hành cửa hàng duy nhất còn lại, kiêm luôn may đo cho khách. “Có lẽ, khó khăn xuất hiện từ sau khi thành lập DN”, Thủy chia sẻ.

Khi thành lập DN, cô được yêu cầu phải có sổ sách ghi doanh thu, lãi, nộp thuế thu nhập… Các cá nhân tham gia vào công ty cũng phải chuyển qua ký hợp đồng, rồi gắn với đó là bảo hiểm, phí công đoàn… Hàng trăm công việc phát sinh, chi phí thêm vào, Thủy và đồng nghiệp của cô quay như chong chóng, không còn thời gian đâu mà kiểm soát và thực hiện chiến lược ban đầu. Năm đầu chuyển đổi thành DN, các cô chịu lỗ. Năm thứ hai tiếp tục như vậy. Những xích mích, bất đồng nảy sinh trong nội bộ ban lãnh đạo, dẫn tới một số nhà sáng lập công ty rời đi…

Tuân thủ những quy định hiện hành đã khó khăn và phức tạp như vậy. Nhưng có những tuân thủ khác còn phức tạp hơn, thêm chi phí thậm chí nhiều hơn. Thủy kể lại, khi đã thành lập DN, rất nhiều các đoàn đến đề nghị hỗ trợ, từ khu phố xin suất quà Trung Thu cho các cháu đến cán bộ dọn vệ sinh đề nghị bồi dưỡng…

“Chúng tôi điều tra nhiều năm liền thì chi phí không chính thức hầu như giảm không đáng kể, mà DN nhỏ lại phải chi nhiều hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng khẳng định như thế trong một hội thảo diễn ra cuối năm ngoái.

Trên thực tế, điều kiện thị trường khó khăn và những thách thức từ ngoài “hội tụ” với các quy định phải tuân thủ, cộng thêm các tuân thủ ngoài quy định như trên đang làm không ít DN phải rời bỏ thị trường. Năm ngoái, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh hoặc chờ giải thể lên tới 60.553 DN, tương đương gần 48% số DN thành lập mới. Ngay trong tháng đầu năm nay, các con số tương ứng là 13.300 DN và tỷ lệ hơn 86%. Theo cơ quan chuyên môn, đa số các DN phá sản, dừng hoạt động là DN nhỏ, mới đi vào hoạt động.

Việc DN biến động mạnh ngay trong tháng đầu năm, khi thời điểm Tết cận kề và kinh doanh có nhiều thuận lợi là rất đáng chú ý. Phân tích sâu vào con số DN tạm ngừng hoạt động thì thấy có tới 3,3 nghìn DN thuộc ngành bán buôn-bán lẻ (chiếm 38,4%), tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước; 1,1 nghìn DN công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 13,1%), tăng 23%; 433 DN dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5%), tăng 45,3%...

Điều gì khiến cầu thị trường Tết vẫn không giữ được DN ở lại? Hay xa hơn là làm thế nào để DN lớn được, các mô hình kinh doanh nhỏ, hộ tiểu thương chuyển thành DN và tiếp tục phát triển? Có lẽ, trường hợp khó khăn của Hà Thủy nêu trên là rất cần được nhận diện, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN khởi nghiệp và phát triển.

Anh Quân