|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN nói gì về đề xuất chế tài mạnh hơn để công an, UBND xã tham gia cưỡng chế thu giữ tài sản bảo đảm?

13:53 | 01/12/2022
Chia sẻ
NHNN không đồng ý với đề xuất chế tài mạnh hơn để công an, UBND xã tham gia cưỡng chế thu giữ tài sản bảo đảm do việc vay và đi vay là quan hệ dân sự giữa bên vay và bên cho vay.

Ảnh minh hoạ: NHNN.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tổng hợp nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng (TCTD) và các tổ chức có liên quan đối với đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trong đó, một ngân hàng đã đề xuất NHNN xem xét bổ sung quy định đối với các cơ quan công an, UBND cấp xã cần có quy định chế tài mạnh hơn như tham gia cưỡng chế việc thu giữ tài sản bảo đảm cùng TCTD khi có yêu cầu từ các TCTD yêu cầu thu giữ.

Với kiến nghị trên, NHNN không đồng ý do việc vay và đi vay là quan hệ dân sự giữa bên vay và bên cho vay. Việc đề xuất áp dụng các chế tài cưỡng chế thu giữ dành cho bên vay không trả được nợ khi chưa có bản án, quyết định của Tòa án có thể được xem xét là việc hành chính hóa các quan hệ dân sự. Do đó, chưa có cơ sở để tiếp thu nội dung này.

Một ngân hàng khác đề nghị quy định hợp đồng bảo đảm đã qua thủ tục công chứng, đăng ký thế chấp thì tổ chức tín dụng có quyền được xử lý tài sản bảo đảm luôn nếu khách hàng có các dấu hiệu cần phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại hợp đồng bảo đảm và hợp đồng tín dụng mà không cần phải qua thủ tục khởi kiện tại tòa án.

NHNN không tiếp thu đề xuất này việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên, đồng thời phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định. Mặt khác, đề xuất này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật các TCTD.

Đối với việc xử lý các tài sản bảo đảm (TSBĐ)có sai/khác so với giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, một TCTD đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định thêm trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc thực hiện đăng ký chuyển nhượng cho các TSBĐ này để việc xử lý được thống nhất, không bị vướng mắc giữa các cơ quan.

Ngoài ra, đối với trường hợp tài sản bảo đảm trên thực tế có khác biệt so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, ngoài việc quy định trách nhiệm của cơ quan thi hành án, ngân hàng đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định rõ về phương án xử lý đối với các trường hợp này (khi diện tích/kích thước lớn hơn diện tích, kích thước trên giấy chứng nhận; khi TSBĐ bị chồng lấn với tài sản của bên khác, khi TSBĐ có diện tích sai khác so với sổ đỏ vì bị xây chồng lấn ra đất công/đất lưu không…) để khi giải quyết vụ án, tòa án cũng phải có trách nhiệm xem xét, thẩm định kỹ TSBĐ và tuyên bản án phù hợp với thực tế TSBĐ, đảm bảo tính khả thi khi thi hành án.

NHNN tiếp thu và sẽ nghiên cứu nội dung đề xuất này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến được NHNN tiếp thu một phần bao gồm bổ sung các vướng mắc đối với các khoản vay ngoài tiêu dùng, các sản phẩm tín dụng khác (LC, bảo lãnh...); bổ sung về việc trường hợp có các tài sản nằm trên, nằm trong TSBĐ nhưng không thuộc TSBĐ mà bên bảo đảm không di dời trong thời hạn công khai thông tin thì bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ và xử lý đối với TSBĐ.

Phương Nga