|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN đưa ra lộ trình siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng

06:58 | 25/11/2019
Chia sẻ
Từ năm 2024, tỉ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp trên tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ phải giảm về mức tối đa 30%.
NHNN đưa ra lộ trình siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Fe Credit)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 18/2019 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016 qui định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Trong thông tư mới NHNN đã đưa ra lộ trình chi tiết đưa tỉ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%.

Theo đó, tỉ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021. Năm 2022, tỉ lệ tối đa là 60% và năm 2023 là 50%. Tỉ lệ này sẽ giảm về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Như vậy, các công ty tài chính còn hơn 4 năm để đưa tỉ lệ giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ về mức 30%.

Theo Thông tư 18/2019, giải ngân trực tiếp cho khách hàng là việc công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo qui định của pháp luật.

Như vậy, giải ngân trực tiếp bao gồm cả tiền mặt và giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt (thẻ tín dụng).

Ngoài ra, trong thông tư mới, NHNN cũng đã bổ sung thêm một số qui định trong hoạt động giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính.

Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam tại thời điểm gần nhất so với thời điểm kí kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Quốc Thụy