|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN bơm gần 127.000 tỷ đồng cho các TCTD từ đầu tháng 10, lãi suất liên ngân hàng dự báo khó hạ nhiệt

11:32 | 14/10/2022
Chia sẻ
NHNN liên tục bơm thanh khoản thông qua kênh OMO trong 9 phiên liên tiếp và không phát hành tín phiếu mới trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng cao nhất 10 năm.

Trong phiên giao dịch ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào mua thành công gần 637 tỷ đồng giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày và gần 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày. Lãi suất trúng thầu giảm về mức 5%/năm. Đây là phiên giao dịch thứ 9 liên tiếp NHNN bơm thanh khoản thông qua kênh OMO và không phát hành tín phiếu mới.

Trước đó, trong hai phiên giao dịch ngày 11/10 và 12/10, NHNN đều chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn dài là 14 và 28 ngày, thay vì 7 ngày. Giá trị tín phiếu NHNN mua vào trong tuần này cũng tăng gấp đôi so với tuần trước. 

Tính chung trong tuần qua (10/10-13/10), NHNN đã bơm hơn 85.000 tỷ đồng thông qua kênh OMO. Còn kể từ đầu tháng 10, khối lượng giao dịch trên kênh OMO của NHNN lên tới gần 127.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống của NHNN trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất 10 năm.

 Diễn biến hoạt động thị trường mở. (Nguồn: Wichart).

Theo số liệu của NHNN ngày 12/10, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn ở mức 6,51%, giảm 0,51 điểm % so với phiên trước đó (7,02%). Tương tự, lãi suất liên ngân hàng tại hầu hết kỳ hạn còn lại cũng giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 6,75%, giảm nhẹ 0,14 điểm % so với phiên trước. Các kỳ hạn dài 3 tháng và 6 tháng hiện ghi nhận lãi suất là 9,63%/năm và 8,32%/năm. Riêng đối với kỳ hạn 2 tuần, lãi suất tăng 0,2 điểm % lên 7,05%/năm. 

Dù đã hạ nhiệt phần nào so với đỉnh lãi suất trong tuần trước, mức lãi suất này vẫn cao hơn rất nhiều so với con số chưa đến 1% hồi đầu năm hay kể cả mức 4% trước dịch COVID-19.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 3/10-7/10, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tuần đã tạo ra nhiều bất ngờ trên thị trường.

Theo đó, thanh khoản trên hệ thống gặp nhiều áp lực trong đầu tuần, khi các yếu tố về mặt trung hạn (chênh lệch âm kéo dài giữa huy động – tín dụng trong hệ thống tạo áp lực lên khả năng sử dụng nguồn huy động vốn của ngân hàng) và ngắn hạn (một số thành viên lớn trên thị trường không tham gia giao dịch trong hai ngày đầu tuần) kết hợp đồng thời.

Lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần bật lên vượt 10% - mức cao nhất kể từ năm 2012 và gần như ngay lập tức, NHNN đã hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 35.000 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tuần. 

Trong tuần này, thanh khoản hệ thống sẽ được hỗ trợ bởi 45.000 tín phiếu đáo hạn, tuy nhiên sự kiện về ngân hàng SCB vừa qua sẽ phần nào tác động tới thanh khoản nói chung và do vậy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có thể hạ nhiệt.

Ngoài ra, một số ngân hàng tham gia cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã được NHNN cấp bổ sung thêm hạn mức tín dụng với tổng giá trị ước tính là hơn 80.000 tỷ đồng. 

SSI cho rằng NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5-5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Mặt khác, CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu cho rằng Việt Nam bắt buộc phải tăng lãi suất cho tới khi lãi suất tại Việt Nam cân đối ở mức tương đối so với lãi suất của (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) Fed. Như vậy, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thì áp lực tăng lãi suất của Việt Nam vẫn còn.

Theo như dự báo, Fed còn tăng 1,75-2,5 điểm % nữa trong vòng từ giờ đến quý I/2023, đồng nghĩa với việc sau đợt tăng lãi suất này, cơ quan điều hành Việt Nam sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp nữa những mức độ tăng, theo ông Báu, chỉ ở mức 1,5-2%.

Nói cách khác, lãi suất điều hành của Việt Nam sắp tới sẽ tăng nhưng mức độ tăng sẽ không quá mạnh vì giai đoạn tăng lãi suất mạnh nhất đã qua. Chính giai đoạn cuối quý III và đầu quý IV này mới là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất tăng rất mạnh trên mọi mặt trận.

Phương Nga