Nhìn lại một tháng đầy biến động của thị trường tiền tệ
Một tháng đầy biến động
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), tháng 5 vừa qua là một tháng đầy biến động của thị trường tiền tệ.
Sau vài tháng tạm lắng và phát đi tín hiệu khả quan, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ bị thổi bùng sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10/5 và đe dọa tiếp tục đánh thuế 25% vào 325 tỉ USD hàng hóa còn lại nếu không sớm đạt thỏa thuận.
Đáp lại, Trung Quốc cũng đã áp đặt gói thuế mới lên 60 tỉ hàng hóa Mỹ từ 1/6. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, một loạt các công ty công nghệ của Mỹ cũng ngừng giao dịch với Huawei - biểu tượng công nghệ của Trung Quốc.
Không chỉ Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ cũng rơi vào "chiến dịch" tăng thuế của Tổng thống Mỹ với tuyên bố xóa bỏ ưu đãi thuế quan GSP với Ấn Độ từ 5/6 và áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico từ 10/6.
Sự bế tắc và chia rẽ trong lòng Châu Âu cũng trở lên trầm trọng hơn trong tháng vừa qua sau quyết định từ chức của Thủ tướng Anh và kết quả bầu cử Nghị viện Châu Âu với sự nổi lên của các đảng cực hữu. Chỉ số sản xuất PMI tháng 5 của EU và Đức tiếp tục sụt giảm xuống 47,7 và 44,3, đánh dấu 4 tháng liên tiếp giảm dưới 50 điểm.
Nhiều đồng tiền mất giá so với USD
SSI Research cho rằng rủi ro gia tăng đã tác động mạnh đến thị trường tài chính tiền tệ. Trong số các đồng tiền chủ chốt, Top 3 mất giá nhiều nhất so với USD là GBP, CNY và KRW với mức giảm tương ứng là 3,1%; 2,53% và 2,1% so với tháng trước.
Trong khi đó, các đồng tiền trú ẩn như JPY và CHF tăng giá lần lượt là 2,8% và 1,8% so với tháng trước.
Dòng tiền cũng dịch chuyển mạnh sang kênh trái phiếu khiến lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Úc đều đồng loạt giảm mạnh. Kết thúc tháng 5, lợi tức TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đáy 21 tháng, ở mức 2.125%/năm. Đường cong lợi tức bị đảo ngược khi lợi tức kỳ hạn 3 tháng đã cao hơn các kỳ hạn 10 năm trở xuống – một chỉ báo khá chính xác trước các đợt suy thoái trong hơn 60 năm qua.
Nhiều khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm 2019
SSI đánh giá về phía tích cực, các chỉ báo kinh tế quí I/2019 của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản vẫn khá khả quan và cục diện chiến tranh thương mại có thể thay đổi nhanh nếu các bên thay đổi quan điểm nên việc có xảy ra suy thoái kinh tế hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, giới quan sát ngày càng đồng thuận về khả năng thay đổi chính sách của Fed.
Xác suất Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2019 hiện đã lên tới 98% trong đó có 80% cho rằng sẽ cắt giảm tới 2 lần (theo CME) vì rủi ro tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và chỉ số lạm phát hiện cách khá xa lạm phát mục tiêu 2%.