|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều yếu tố hỗ trợ kìm hãm đà tăng của lạm phát

07:00 | 20/10/2023
Chia sẻ
Theo KBSV, một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong quý cuối năm. Mặc dù vậy, với mức tăng rất thấp trong nửa đầu năm, dự báo lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát tốt ở mức 3,6% - thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra.

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đề cập đến những yếu tố hỗ trợ kìm hãm đà tăng của lạm phát bao gồm: cung tiền tăng thấp, giảm thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng dù có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.  

Cụ thể, áp lực lạm phát từ chính sách tiền tệ chưa đáng lo ngại. Tính tới cuối tháng 9, tăng trưởng M2 ước đạt 7,75% – mức khá thấp so với các năm trước. Ngoài ra, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém hơn khi thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn khiến tăng trưởng tín dụng dù tăng tốc trong 2 tháng trở lại đây nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Yếu tố hỗ trợ thứ hai là chỉ số giá nhập khẩu của các nhóm hàng hóa trọng yếu gồm nông sản, thực phẩm, nhiên liệu và nguyên vật liệu chế biến, chế tạo đã tạo đỉnh từ quý III và đang trong xu hướng giảm nhờ việc giá cả hàng hóa thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại, trong bối cảnh nhu cầu các tháng cuối năm gia tăng, KBSV cho rằng giá nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ đi ngang trong thời gian tới. 

 

Về nhóm giao thông, các chuyên gia tại đây dự báo giá dầu Brent duy trì ở mức trên 85 USD/thùng do OPEC+ tiếp tục can thiệp vào nguồn cung dầu trên toàn thế giới bằng cách cắt giảm 4,96 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2023, tương đương gần 5% nhu cầu toàn cầu.

Ngoài ra, hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã chậm lại do các doanh nghiêp đã hạn chế các khoản đầu tư thượng nguồn và sức ép đến từ các cổ đông.

Bên cạnh đó, dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024, động lực chính đến từ việc Trung Quốc gia tăng tiêu thụ ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch và sản xuất phân bón. Rủi ro xung đột giải Gaza leo thang thành xung đột khu vực, ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ từ các quốc gia vùng Vịnh.  

Về nhóm lương thực, thực phẩm, KBSV dự báo giá lợn, giá gạo dự báo tăng nhẹ. Ngoài ra, trong nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giá vật liệu xây dựng và điện nước dự báo tăng nhẹ, giá khí đốt đi ngang do giá năng lượng thế giới dự báo sẽ ổn định cho tới cuối năm. 

Mức độ tăng của giá vật liệu xây dựng sẽ không đáng kể do giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép và xi măng hạ nhiệt. Hơn nữa doanh số bán hàng ảm đạm từ lĩnh vực bất động sản dân dụng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án mới. 

Theo KBSV, một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong quý cuối năm. Mặc dù vậy, với mức tăng rất thấp trong nửa đầu năm, dự báo lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát tốt ở mức 3,6% - thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra.   

Gần đây giới chuyên gia cảnh báo Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề lạm phát khi lạm phát toàn phần tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% trong tháng 9 (tức tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 8).

Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở; ngoài ra còn có thêm áp lực từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục. Lạm phát cơ bản giảm từ 4% trong tháng 8 xuống còn 3,8% trong tháng 9. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, bình quân 9 tháng vẫn ở mức cao, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2022 và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung.

 

Trong báo cáo mới nhất, World Bank khuyến cáo xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ.  

Ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm nay lên 3,4%, cao hơn mức cũ 2 điểm phần trăm (nhưng dưới mức mục tiêu 4,5%). Nguyên nhân là đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua và được xem là rủi ro gia tăng đáng kể.   

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.