|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WB: Xu hướng lạm phát tăng mạnh nên cần được theo dõi chặt chẽ

20:23 | 18/10/2023
Chia sẻ
WB cũng đưa ra một danh mục đầu tư chiến lược cần được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, trong quý III, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc nhờ vào tình hình xuất khẩu đang dần phục hồi nhưng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước vẫn yếu, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư cũng yếu.

WB cũng đưa ra một danh mục đầu tư chiến lược cần được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024.

Theo đó, đặt trọng tâm vào phát triển cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; đồng thời, thúc đẩy, mạng lưới hạ tầng liên vùng giúp duy trì và tạo động lực cho phát triển kinh tế trong dài hạn.
Nghiên cứu của WB cũng khuyến nghị, Nhà nước và các sở ngành cần tập trung hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực; nhất là chú trọng kỹ năng công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI với giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn.

Đầu tư công có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ tổng cầu và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nên cũng cần được chú trọng. Thêm vào đó, WB cũng cảnh báo, xu hướng lạm phát tăng mạnh nên tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ.

Cụ thể, báo cáo WB ghi nhận, trong quý III, GDP của Việt Nam tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng theo quý giảm nhẹ xuống mức 2,95%. Tăng trưởng được duy trì  là do khu vực công nghiệp đang dần phục hồi, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào GDP. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp phản ánh sự cải thiện liên tục trong xuất khẩu hàng hóa kể từ tháng 5.

Cũng trong quý III, khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tương ứng là 6,2% và 3,7% so cùng kỳ năm trước. Hai khu vực này tương ứng đóng góp 2,7 và 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý này. Tốc độ tăng trưởng và đóng góp này tương đương với hai quý trước. 

Sau 10 tháng suy giảm, trong tháng 9 năm nay, xuất khẩu và nhập khẩu tăng tương ứng 5,3% và 2,6% so cùng kỳ. Điều này phản ánh sự cải thiện về nhu cầu bên ngoài, cho thấy sự suy giảm trong thương mại hàng hóa đã chạm đáy. Do vậy, sự suy giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu cũng được thu hẹp trong quý III xuống tương ứng mức -1,2% và -5,0% so cùng kỳ, so với mức tương ứng -12,2% và -20,6 trong quý II.

Sự cải thiện được thể hiện rõ ở xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo, dệt may, điện tử và máy tính... Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể đạt thặng dư 2,3 tỷ USD vào tháng 9/2023 và đạt 21,4 tỷ USD trong 9 tháng năm nay do xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa.

Từ tháng 4 đến tháng 9, tốc độ tăng trưởng hàng tháng của xuất khẩu được cải thiện từ -16,2% lên 5,3% so cùng kỳ, trong khi tốc độ tăng trưởng đối với nhập khẩu được cải thiện từ -23,1% lên 2,6% so cùng kỳ năm trước. Theo khảo sát của S&P Global tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng trong cả tháng 8 và tháng 9, đặc biệt là từ các thị trường châu Á.

Báo cáo còn ghi nhận, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ mức 3% của tháng 8. lên 3,7% vào tháng 9 năm nay. Xu hướng tăng vẫn tiếp diễn kể từ tháng 6. Lạm phát tăng khá mạnh do giá lương thực, thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao.

Ngoài ra, giá dịch vụ vận tải đã đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào lạm phát CPI do đợt tăng giá dầu mới được ghi nhận trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay. Ngược lại với lạm phát CPI, lạm phát cơ bản không bao gồm lương thực, nhiên liệu và giá do Chính phủ quản lý tiếp tục giảm từ 4% trong tháng 8 xuống còn 3,8% vào tháng 9/2023...

Ngọc Quỳnh