Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh mức giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tuy nhiên, đối với mức khởi điểm đấu giá biển số vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Cho ý kiến về phạm vi thí điểm đấu giá biển số xe ô tô tại Tổ 3, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, đối với mức giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá biển số xe, tại khoản 1 điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP HCM) là 40 triệu đồng, vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.
Theo đại biểu Vương Thị Hương, để tạo điều kiện, công bằng cho người dân được tiếp cận, tham gia đấu giá biển số, không phải chỉ để thu ngân sách Nhà nước mà với mục tiêu chính là khai thác kho số, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân trong việc sở hữu biển số xe ô tô, cũng như minh bạch, công khai trong hoạt động này, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ quy định một mức giá khởi điểm chung áp dụng trên phạm vi cả nước và nghiên cứu mức giá không quá cao, bởi nếu mức giá khởi điểm cao quá thì chưa chắc đã đạt được mục tiêu thu hút được người tham gia.
Cùng thảo luận ở Tổ 3, Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang lấy dẫn chứng về việc một số nước trên thế giới, mức giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô là 0 đồng nhằm đảm bảo cho tất cả người dân tham gia đấu giá biển số xe. Việt Nam có thể tham khảo cách thức thực hiện mức giá khởi điểm ở các nước trên thế giới để tất cả người dân trong toàn quốc đều có thể đấu giá được.
Do vậy, nên áp dụng 1 mức phù hợp để mọi người có thể đấu giá biển số xe. Cách thức đấu giá cần theo quy trình chặt chẽ, có sự chuẩn bị kỹ càng. Thời điểm đấu giá biển số xe ô tô nên thực hiện từ này 01/7/2023.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề xuất là việc đấu giá biển số xe ô tô nên thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành có điều kiện về kinh tế như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM. Sau đó, Chính phủ có thể tổng kết quá trình đấu giá biển số xe sau một thời gian thực hiện thí điểm thì mới nên mở rộng ra các tỉnh thành trong cả nước.
Thảo luận tại Tổ 1, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lại cho rằng, việc xác định giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào Nghị quyết sẽ khó triển khai trên thực tế. Theo đại biểu, việc xác định 2 mức giá này là ngang bằng với thuế trước bạ của các địa phương là 20 triệu và 40 triệu đối với Hà Nội và TP HCM.
Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị chỉ quy định một mức giá 40 triệu như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không quy định chi tiết mức giá khởi điểm, mà giao cho Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Cùng Tổ 1, Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng nêu quan điểm, quy định về giá khởi điểm cần căn cứ vào điều kiện của từng tỉnh, thành phố, nên chăng giao các địa phương quyết định sẽ tạo sự chủ động; đồng thời cần nghiên cứu thêm quy định về việc sử dụng ngân sách từ việc đấu giá như thế nào đối với từng cấp (trung ương và địa phương). Đại biểu lo ngại, nếu đấu giá toàn quốc đối với biển ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ không đảm bảo tính khả thi, bởi hiện Bộ Công an quản lý biển số theo địa giới hành chính, quy định như vậy sẽ có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Tương tự, đối với bước giá, có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng bước giá là 5 triệu, không nhất thiết áp dụng đấu giá lần lượt theo từng bước giá, mà có thể linh hoạt theo nhu cầu của người đấu giá. Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, kỹ thuật đấu giá là vấn đề chuyên sâu cần được quy định trong pháp luật về đấu giá.