Nhiều thách thức khi các ngân hàng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm nay sẽ phải tăng vốn cho các NHTM Nhà nước |
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tại Lào (Nguồn: Sacombank) |
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng một số ngân hàng thương mại (NHTM) và các trường Đại học đã tổ chức hội thảo “Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các NHTM, thực tiễn và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, mở rộng thị phần là một trong những chiến lược kinh doanh của các NHTM, trong đó thị phần ở nước ngoài cũng là tham vọng của không ít ngân hàng.
Việc đầu tư ra nước ngoài giúp các ngân hàng trong nước đa dạng hóa hoạt động, phân tán rủi ro, tăng thu phí dịch vụ, hiệu quả hoạt động, nâng cao kinh nghiệm cũng như hình ảnh, vị thế của NHTM Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài góp phần thúc đẩy thanh toán cho giao dịch ngoại thương giữa các nước sở tại ngân hàng mở rộng mạng lưới với Việt Nam.
Việc mở rộng đầu tư của các TCTD ra nước ngoài cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài có thêm cơ hội hợp tác và hỗ trợ về mặt tín dụng tài chính phù hợp, thuận lợi hơn cho các giao dịch và thanh toán quốc tế.
TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu tại Hội thảo |
Theo đánh giá của TS Nguyễn Thị Hiền, những năm gần đây, nhiều NHTM đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con… ở nước ngoài, nhiều nhất là ở thị trường khu vực Đông Dương. Bên cạnh đó, nhiều NHTM còn tìm kiếm địa bàn hoạt động ở những nước phù hợp với tiêu chuẩn và nguồn lực của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như vậy, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các NHTM vẫn còn thách thức như sự cạnh tranh trong môi trường quốc tế tương đối cao, điều này đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải chuẩn bị tốt các phương án cho hoạt động của mình, đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và hiệu quả.
Hơn thế nữa, chi phí hoạt động ở nước ngoài cũng tốn kém, nếu ngân hàng không chuẩn bị tốt phương án về vốn có thể sẽ bị ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của ngân hàng. Cho vay nước ngoài cũng có thể rủi ro vì việc tiếp cận đầy đủ thông tin cũng có phần khó khăn hơn so với trong nước.
Cũng tại hội thảo, TS. Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, sức cạnh tranh của các NHTM Việt Nam đang từng bước được nâng cao và bắt đầu thu được kết quả kinh doanh khả quan khi đầu tư ra nước ngoài. Các NHTM Việt Nam thích nghi tốt với môi trường hoạt động tại nước ngoài, nỗ lực đáp ứng các yêu cầu pháp lý của nước sở tại.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như hoạt động chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng mẹ, nguồn vốn huy động từ thị trường nước bản địa còn nhỏ; khả năng mở rộng tín dụng sang các đối tượng khách hàng tại nước sở tại còn nhiều hạn chế…
Theo TS Bùi Tín Nghị, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ làm các rào cản thị trường phải dỡ bỏ, các NHTM Việt Nam có cơ hội mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Các NHTM Việt Nam có thể chinh phục thị trường ASEAN nhờ lợi thế cạnh tranh nhất định. NHTM Việt Nam tại nước ngoài là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ tiếp cận vốn vay, chuyển tiền về Việt Nam hoặc các dịch vụ khác mà các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp cận tại thị trường nước ngoài.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị cải thiện hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của các NHTM Việt Nam.
Trước hết, khuyến nghị về xây dựng chiến lược đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lựa chọn cách tiếp cận thị trường mục tiêu; lựa chọn đối tượng khách hàng và sản phẩm cung cấp; quản trị rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài...
Thứ hai, khuyến nghị về việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý của các quốc gia nhận đầu tư theo đó NHTM chủ động tìm hiểu nguồn luật của quốc gia được đầu tư, hệ thống hóa các văn bản quy định về đầu tư. NHNN cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ NHTM thiết lập mối quan hệ với quốc gia được đầu tư...
Thứ ba, nghiên cứu khả năng liên kết, sáp nhập và chuyển nhượng với các đối tác và các NHTM trong nước nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức mạnh cạnh tranh; Xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu gắn liền nâng cao chất lượng dịch vụ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an ninh hệ thống; Tận dụng khoảng trống về cung cấp dịch vụ ngân hàng để phát triển sản phẩm mới...
Thứ tư, khuyến nghị xây dựng chiến lược tổng thể về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và từng ngành cụ thể; Ban hành khung pháp lý thuận lợi, xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát tăng cường độ tin cậy; Quy định cơ chế đặc thù giao dịch ngoại hối giữa chi nhánh tại nước ngoài và ngân hàng mẹ…;
Thứ năm, tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản nước sở tại; Tăng cường các biện pháp giám sát ngành tài chính; tăng cường tương tác với ngân hàng mẹ; Hợp tác chặt chẽ nhằm trao đổi thông tin với NHTW nước sở tại; Tiếp tục theo dõi những rủi ro cũ và tìm ra công cụ mới để đối phó với sự biến động..
Thứ sáu, xây dựng quan điểm thống nhất bộ tiêu chuẩn đánh giá chung khi phê duyệt; Phối hợp xúc tiến thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nói chung, NHTM nói riêng tại nước ngoài; Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chiến lược định hướng đầu tư ra nước ngoài từng thời kỳ…
Thứ bảy, một số khuyến nghị giải pháp khác như xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư ra nước ngoài; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tầm vĩ mô; thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư nước ngoài.