Nhiều nước châu Á, Phi hủy dự án hạ tầng liên quan Trung Quốc
Dự án đường ống dẫn khí ở bang Sabah của Malaysia Ảnh: Borneo Today
Việc thu tiền diễn ra gần một năm sau khi Malaysia cho ngừng hai dự án đường ống trị giá 2,3 tỷ USD mà CPP là nhà thầu chính. “Tôi hiểu rằng, tiền cho 80% đường ống đã được trả nhưng công việc chỉ hoàn thành có 13%. Vì vậy, chính phủ lấy lại tiền sau khi dự án bị hủy”, ông Mahathir nói.
Năm 2016, CPP giành được hợp đồng từ chính phủ Malaysia của Thủ tướng Najib Razak để xây 600 km đường ống dẫn dầu dọc bờ biển phía tây Malaysia và 662 km đường ống dẫn khí gas ở bang Sabah. Khi lên nắm quyền, ông Mahathir đình chỉ hai dự án này với lý do chúng tạo ra sự “không công bằng” cho người dân Malaysia.
Tháng 10/2018, Sierra Leone tuyên bố hủy kế hoạch xây sân bay với vốn vay của Trung Quốc, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên từ chối một dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc, nhật báo tiếng Anh The Economic Times đưa tin ngày 25/10/2018.
Trước đó, cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cảnh báo rằng, dự án 318 triệu USD này có thể khiến Sierra Leone mắc nợ không cần thiết.
Trước đó, dự án xây sân bay mới ở bên ngoài thủ đô của Sierra Leone được tổng thống đời trước chấp nhận, dự kiến hoàn thành năm 2022. Sau đó, tân Tổng thống Julius Maada Bio đánh giá lại dự án và quyết định hủy.
Tính đến tháng 10/2018, các nước châu Phi nợ Trung Quốc tổng cộng 130 tỷ USD, theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi. Số tiền khổng lồ này chủ yếu đổ vào các dự án giao thông, điện lực và khai khoáng.
“Nhiều nước trên thế giới giờ đây đang nghĩ lại về các khoản vay của Trung Quốc dành cho các dự án phát triển hạ tầng ở nước họ vì lo ngại rằng, họ có thể rơi vào ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc...
Các dự án do Trung Quốc cho vay tiền cũng yêu cầu thuê nhà thầu Trung Quốc thay vì để các công ty và công nhân địa phương thực hiện. Vốn vay Trung Quốc có lãi suất 2-3%, cao hơn nhiều so với vốn vay Nhật Bản, chỉ 0,25-0,75%”, báo Philippines Daily Inquirer viết.