|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà thầu nào 'hạ gục' doanh nghiệp Trung Quốc thi công cao tốc Bắc - Nam?

06:51 | 24/09/2019
Chia sẻ
Trước khi cao tốc Bắc - Nam được khởi công, nhiều người lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xuống giá thấp để “đổ bộ” vào “đại dự án”. Tuy nhiên, tại dự án thành phần đầu tiên các doanh nghiệp Việt đã trúng thầu, trong đó có doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

Hôm 16/9, Dự án thành phần đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được khởi công xây dựng. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đại diện chủ đầu tư.

Doanh nghiệp nào trúng thầu dự án? Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi trước khi cao tốc Bắc - Nam khởi công, nhiều người lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bỏ thầu giá thấp để “đổ bộ” vào dự án. Bằng chứng là trong số 60 nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ và dự đấu thầu tại 11 dự án thành phần thì các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm “áp đảo”.

Nhà thầu nào 'hạ gục' doanh nghiệp Trung Quốc thi công cao tốc Bắc - Nam? - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án La Sơn - Túy Loan khởi công xây dựng ngày 16/9

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, việc lựa chọn nhà thầu được tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các liên danh nhà thầu nội đã trúng thầu thi công xây lắp dự án, đơn vị tư vấn thiết kế trúng thầu là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI). Cụ thể:

Gói thầu XL1: Dài 15km, giá trị 510 tỷ đồng. Liên danh công ty CP Đầu tư và xây dựng 703 - Tổng Công ty Thành An trúng thầu và dự kiến thi công trong 24 tháng.

Gói thầu XL2: Dài 11,5km, tổng giá trị xây lắp là 575 tỷ đồng. Trúng thầu là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng dịch vụ và thương mại 68 - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.

Đáng nói, trong số các nhà thầu nói trên, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng Công ty Thành An là 2 đơn vị xây lắp lớn thuộc Bộ Quốc phòng.

“Các nhà thầu đã tham gia nhiều dự án lớn như Đường Hồ Chí Minh; Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Trung Lương - Mỹ Thuận; Hà Nội - Hải Phòng… Các nhà thầu đều cam kết thực hiện đảm bảo đúng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ dự án.” - đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay.

Nhà thầu nào 'hạ gục' doanh nghiệp Trung Quốc thi công cao tốc Bắc - Nam? - Ảnh 2.

Trong số 60 nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ và dự đấu thầu tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thì các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm “áp đảo”

Cần phải nói thêm rằng, việc chọn nhà thầu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam từng được giới chuyên môn trong ngành GTVT và các chuyên gia kinh tế quan tâm đặc biệt. Đa phần các chuyên gia đều đưa ra “cảnh báo” việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu sẽ là mối nguy hại lớn, bởi nhiều bài học nhãn tiền cho thấy dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc đều “tiền mất, tật mang, gây thiệt hại lớn về kinh tế, kỹ thuật và thẩm mỹ…

Trước khi dự án thành phần đầu tiên của “đại dự án” được khởi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phải bám sát công tác tổ chức đấu thầu, xét chọn nhà thầu phải làm chặt chẽ từ trong hồ sơ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, loại bỏ ngay những nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực tham gia vào Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự kiến, dự án La Sơn - Túy Loan sẽ hoàn thành vào năm 2021, tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, tiếp cận cao nhất với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua 20 tỉnh, thành phố. Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ đầu tư xây dựng 654km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bộ GTVT đã phê duyệt tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng cho 11 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam.

Châu Như Quỳnh