|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều nhà máy chế biến sẵn phải tạm dừng hoạt động do mưa lũ

08:01 | 16/11/2020
Chia sẻ
Nhiều nhà máy tại Tây Ninh và miền Trung cũng phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của mưa lũ.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tính đến giữa tháng 10, cả nước có khoảng hơn 450 nghìn ha sắn. Trong đó, khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chiếm diện tích sắn lớn nhất nước (với gần 250 nghìn ha, chiếm trên 55% diện tích sắn cả nước), đây cũng là vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, nguy cơ thiệt hại rất lớn. 

Hiện các tỉnh đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ có trên 55 nghìn ha sắn vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đang giai đoạn nuôi củ tới thu hoạch; trên 35 nghìn ha sắn vụ Hè Thu 2020 đang giai đoạn phát triển thân lá, nuôi củ (hoặc thu hoạch). 

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên, hiện có trên 12.600 ha sắn vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đang giai đoạn tích lũy bột, hơn 145 nghìn ha sắn vụ Hè Thu 2020 đang giai đoạn phát triển thân lá, tạo củ. 

Khu vực Bắc Trung Bộ cũng là vùng có diện tích sắn đã và đang chịu thiệt hại nặng do mưa lũ (khoảng trên 55 nghìn ha đang giai đoạn phát triển củ tới thu hoạch). Thời gian qua do mưa lũ khiến nhiều diện tích sắn trồng ở vùng trũng thấp ở tỉnh Kon Tum bị ngập úng. 

Diện tích sắn bị ngập úng ở tỉnh Kon Tum xảy ra chủ yếu tại địa bàn huyện Kon Rẫy, Sa Thầy và thành phố Kon Tum. 

3 nhà máy chế biến tại huyện Kon Rẫy và Sa Thầy đã duy trì việc thu mua sắn nguyên liệu vùng ngập cho nông dân với giá khoảng 2.000 đồng/kg sắn tươi. 

Trong khi đó, nhiều nhà máy tại Tây Ninh và miền Trung cũng phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của mưa lũ. 

Mùa vụ 2020-2021 tại khu vực Tây Ninh tiếp tục gặp khó khăn do lượng sắn từ Căm-pu-chia về ít hơn, nhưng giá cao hơn so với các năm trước, điều này sẽ tạo áp lực lớn đến nguồn cung sắn lát của Việt Nam. 

Thời gian qua do mưa lớn kéo dài trên diện rộng, sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sắn niên vụ 2020-2021, gây áp lực lên nguồn cung trong thời gian tới. 

Do đó, giá sắn tươi có thể sẽ tăng trong thời gian tới, do sự cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các nhà máy chế biến tinh bột sắn và sân phơi sắn lát. 

Đối với sắn lát, giá thiết lập cho vụ mới được nhận định sẽ cao ngay từ đầu vụ, do nhu cầu mua hàng sản xuất cám tăng trong khi nguyên liệu thay thế để sản xuất cám như cám gạo, lúa mì tăng cao. 

Đối với tinh bột sắn, giao dịch tinh bột sắn sẽ sôi động do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tiêu thụ từ ngành thức ăn chăn nuôi và chế biến sâu tại Trung Quốc vẫn cao.

H.Mĩ