Nhiều lợi thế về công nghệ và con người, TP HCM muốn hút mạnh đầu tư từ Mỹ
TP HCM có nhiều lợi thế thu hút đầu tư
Sáng 25/8, Diễn đàn doanh nghiệp TP HCM - Mỹ với chủ đề Thúc đẩy quan hệ đối tác, sáng tạo vì tương lai thịnh vượng được tổ chức tại TP HCM dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quan hệ giữa hai nước đang ngày càng phát triển và đạt được những mục tiêu mà trước đây cả hai đều không hình dung được.
Đặc biệt với khoản đầu tư 1 tỉ USD của Intel Product đầu tư vào TP HCM 10 năm trước, có thể xem đây là biểu tượng cho đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Nhà máy Intel ở Việt Nam là nhà máy lắp ráp, kiểm định lớn nhất của hãng trên thế giới, sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhất và tổng giá trị xuất khẩu đến nay đã vượt 36 tỉ USD.
Ông Nhân khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài rằng nếu muốn tìm người làm việc chăm chỉ, muốn gia tăng lợi nhuận thì TP HCM là nơi tuyệt vời để lựa chọn. Bởi lẽ, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn với hơn 10 triệu người, có năng suất lao động cao gấp 3 lần so với bình quân cả nước.
Trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam đang đóng góp 25% vào GDP và 30% thu ngân sách Việt Nam nên việc đầu tư công nghệ hay các giải pháp về trí tuệ nhân tạo AI sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
TP HCM có trung tâm phần mềm lớn nhất và thành công nhất ở Việt Nam là Khu Công viên phần mềm Quang Trung, với 10.000 lao động, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp không gian làm việc cho 10.000 sinh viên và năm 2019 xuất khẩu 500 triệu USD phần mềm.
Ngoài ra TP có Khu Công nghệ cao tốt nhất với hơn 160 doanh nghiệp, đã đầu tư hơn 7 tỉ USD với 46.000 người đang làm việc, tổng giá trị xuất khẩu trong 10 năm vừa qua đạt hơn 64 tỉ USD. Do đó, việc đầu tư công nghệ hay các giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
TP cũng có các cơ hội để đối tác tham gia đầu tư với cơ sở hạ tầng tốt, công nghệ thông tin phát triển, giao thông với tuyến metro sắp đi vào hoạt động. Ngoài ra, có một trung tâm tài chính mới và đô thị mới Thủ Thiêm đang hình thành.
"TP HCM cam kết lắng nghe, cùng đồng hành với các nhà đầu tư cho đến khi nhà đầu tư thực sự hài lòng với chính sách, môi trường đầu tư. Sự thành công của nhà đầu tư chính là hạnh phúc của TP", ông Nhân khẳng định.
Từ đầu cầu Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết Diễn đàn doanh nghiệp TP HCM - Mỹ diễn ra rất đúng thời điểm.
Quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia đã có những bước phát triển vượt bậc Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tăng 7,1% vượt qua mức 38 tỉ USD.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại TP HCM, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhận định, môi trường kinh doanh ở TP HCM đã có nhiều cải thiện so với trước.
"Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chi hàng triệu USD, thậm chí là hàng tỉ USD đầu tư vào các dự án sản xuất, năng lượng, hạ tầng, sáng kiến đô thị thông minh và chúng tôi kì vọng sẽ tiếp tục có những khoản đầu tư thậm chí tăng tốc hơn nữa", đại sứ nói.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Intel chia sẻ, tập đoàn đã đầu tư hàng tỉ USD vào TP HCM vì sự ổn định về chính trị của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng dành sự ủng hộ lớn dành cho tập đoàn này với những ưu đãi đầu tư hấp dẫn.
Việc đầu tư tại TP HCM là bước đi chính xác của Intel, bởi thành phố đang cung cấp cho tập đoàn này những nhân viên trẻ trung, năng động với độ tuổi trung bình là 28 tuổi. Ngoài ra, Khu công nghệ cao cũng đang cung cấp, đáp ứng dịch vụ rất tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư Mỹ
Khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của khu vực, đại dịch đã làm nổi bật lên các vấn đề cấp thiết nhất và các doanh nghiệp phải xem lại những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của mình để phòng ngừa những gián đoạn trong tương lai.
Đại sứ Daniel Kritenbrink nêu rõ: "Chính phủ Việt Nam đã thấy được cơ hội. Với đối tác là Mỹ, Việt Nam có tiềm năng có thể tạo ra bước nhảy vọt hướng tới một nền kinh tế hiện đại và số hoá, vượt qua các nước trong khu vực".
Theo ông, mặc dù môi trường kinh doanh đôi khi có những thách thức, nhưng hai bên luôn tìm ra các giải pháp cho các vấn đề và để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động ở Việt Nam.
"UBND TP HCM từ lâu đã là một đối tác tin cậy và không thể thiếu của Mỹ khi hai bên cùng xây dựng một xây dựng thành phố sáng tạo thông minh và hiệu quả ứng dụng các công nghệ tốt nhất của Mỹ để đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân Việt Nam", đại sứ chia sẻ.
Ở góc độ nhà đầu tư, đại diện Intel đề xuất, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần có những qui định rõ ràng về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với ngành công nghệ cao, củng cố thêm các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Một số doanh nghiệp nước ngoài cũng cho biết, Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ nhưng hiệu suất làm việc chưa cao. Trong tương lai, cần tăng cường hiệu suất làm việc.
Ngoài ra, Việt Nam nói chung và TP HCM, Hà Nội nói riêng cần cải thiện chất lượng cuộc sống để các chuyên gia nước ngoài cảm thấy thoải mái khi đến Việt Nam làm việc.
Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn việc ô nhiễm môi trường, khí thải, nước thải, rác thải được kéo giảm trong thời gian tới và có thêm những trường học chất lượng cao để con cái của các chuyên gia có thể đi học tại Việt Nam khi theo bố mẹ đến Việt Nam làm việc.