|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều lão tướng vẫn 'xắn tay' điều hành doanh nghiệp

20:00 | 09/01/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo điều hành trực tiếp ở một số công ty lớn như VinFast, Vinamilk, Minh Phú, Navico... vẫn đang miệt mài quản lý cơ nghiệp dù đã ở độ tuổi xế chiều.

Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ngày càng có chất lượng quản trị tốt hơn, với sự phân quyền rõ ràng hơn ở cấp độ hội đồng quản trị và ban giám đốc. Phần đông các lão tướng gắn liền với tên tuổi doanh nghiệp đã thôi điều hành trực tiếp mà chuyển sang các vị trí chiến lược trong HĐQT để tham gia định hướng hoạt động chung. 

Tuy nhiên, một số ít doanh nhân vẫn còn quyết liệt tham gia vào ban giám đốc, "xắn tay áo" để tiếp tục điều hành cơ nghiệp dù đã ở độ xế chiều. 

Vừa điều hành, vừa tặng tiền túi

Mới đây, VinFast thông báo ông Phạm Nhật Vượng (sinh năm 1968) sẽ chuyển từ vai trò Chủ tịch HĐQT sang trực tiếp điều hành dưới cương vị CEO và ngược lại bà Lê Thị Thu Thủy hoán đổi vai trò từ Tổng Giám đốc sang đứng đầu HĐQT. 

Trên cương vị mới, tỷ phú Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường. Ông là người phù hợp nhất bởi có bề dày kinh nghiệm từ khi sáng lập và phát triển hãng xe này. 

VinFast là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup được thành lập vào năm 2017, là dự án khởi nghiệp mạo hiểm của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam, thu hút nhiều sự chú ý và hoài nghi của dư luận. Dự án này như một lời khẳng định cho slogan “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” trong hệ sinh thái này  

    Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tặng hơn 31.000 tỷ đồng cho VinFast. Ảnh: Vingroup. 

Sự hiện diện trực tiếp thể hiện tâm huyết của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam với hãng xe, kỳ vọng đưa VinFast trở thành động lực tăng trưởng tiếp bên cạnh các mảng cốt lõi khác như bất động sản, du lịch, công nghệ, dịch vụ... 

Không chỉ "xắn tay áo" điều hành trực tiếp, ông Vượng còn bỏ tiền túi khi đầu năm 2023 tuyên bố tặng 1 tỷ USD từ nguồn tài sản cá nhân và 99,8% cổ phần tại công ty pin VinES (giá trị ước tính khoảng 6.500 tỷ đồng) cho VinFast. 

Tổng số tiền mà vị tỷ phú này công bố tài trợ không hoàn lại cho hãng xe đã vượt 31.000 tỷ đồng. Trong khi tập đoàn mẹ Vingroup cũng cam kết tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD và cho VinFast vay 1 tỷ USD trong thời hạn tối đa 5 năm. 

Ngay sau khi kiện toàn ban lãnh đạo, VinFast đã công bố hợp tác với chính quyền bang Tamil Nadu (Ấn Độ) nhằm phát triển giao thông xanh với mục tiêu đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Hay ông Phạm Nhật Quân Anh (con trai ông Vượng) cũng đã xuất hiện với vai trò Phó Tổng giám đốc Khối sản xuất VinFast. 

 Chọn làm CEO ở độ tuổi xế chiều 

Một số ít lão tướng khác vẫn đang miệt mài điều hành doanh nghiệp trong vai trò tổng giám đốc có thể kể đến nữ tướng Mai Kiều Liên tại Vinamilk, bà Thái Hương tại Bac A Bank, "vua tôm" Minh Phú hay nhà sáng lập Navico....

Công ty sữa lớn nhất Việt Nam đang được điều hành bởi bà Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) - người đã làm việc cho Vinamilk ngay từ khi thành lập năm 1976 đến nay. Trong đó, bà Liên bắt đầu đảm nhiệm vai trò CEO kể từ tháng 12/1992 đến nay, tức hơn 31 năm quản lý.

Nữ tướng 71 tuổi từng có giai đoạn kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch HĐQT từ 2003 đến 2016, sau đó chỉ giữ vai trò Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT theo quy định mới. Các năm gần đây, bà nhận lương 366 triệu đồng/tháng cho vị trí CEO và hơn 2 tỷ đồng/năm cho vị trí thành viên HĐQT. 

Bà Liên đang nắm giữ hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 0,31% vốn Vinamilk với giá trị thị trường gần 440 tỷ đồng. Bà Nguyễn Mai Chi (con gái bà Liên) cũng đang làm việc tại Vinamilk với chức danh Giám đốc Hoạch định Chiến lược. 

Họ tên Công ty Tuổi
Nguyễn Đoàn Thăng  Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL)  81
Lê Xuân Tân BV Quốc tế Thái Nguyên (TNH) 73
Mai Kiều Liên Vinamilk (VNM) 71
Phạm Thanh Bình Thực phẩm Bích Chi (BCF) 71
Võ Thành Đàng Đường Quảng Ngãi (QNS) 70
Doãn Tới Navico (ANV) 70
Thái Hương Bac A Bank (BAB) 66
Lê Văn Quang Minh Phú (MPC) 66
Phạm Nhật Vượng  VinFast 56

Công ty Thủy sản Minh Phú vẫn được quản lý chính bởi nhà sáng lập Lê Văn Quang (sinh năm 1958). Ông đảm nhận vai trò CEO kể từ khi doanh nghiệp tư nhân này cổ phần hóa năm 2006 đến nay, trong khi bà Chu Thị Bình (vợ ông Quang) giữ chức Chủ tịch HĐQT từ khi năm 2020. 

Hiện nhóm cổ đông liên quan gia đình ông Quang đang nắm giữ hơn 176 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng hơn 44% vốn công ty xuất khẩu tôm và đang có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,5% thời gian tới. 

Hay tại Thủy sản Nam Việt (Navico), thực quyền vẫn nằm trong tay nhà sáng lập Doãn Tới (sinh năm 1954). Lão tướng gần 70 tuổi này chọn tiếp tục làm Tổng Giám đốc để điều hành cơ nghiệp, sau khi có quy định không kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch HĐQT và CEO từ năm 2020. 

Ông Tới hiện nắm giữ hơn 71,8 triệu cổ phiếu ANV, tương đương gần 54% vốn doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này. Ông Doãn Chí Thiên (con trai ông Tới) đang tham gia điều hành với vai trò phụ trách quản trị công ty.

Một số lão tướng khác cũng đang miệt mài điều hành cơ nghiệp có thể kể đến Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ông Lê Xuân Tân (sinh năm 1951), CEO Bac A Bank bà Thái Hương (sinh năm 1958), CEO Đường Quảng Ngãi ông Võ Thành Đàng (sinh năm 1954), CEO Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ông Nguyễn Đoàn Thăng (sinh năm 1943), CEO Thực phẩm Bích Chi ông Phạm Thanh Bình (sinh năm 1953).

Huy Lê