|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều khu nhà liền kề tại Đà Nẵng xây dựng xong chưa ai ở, lãng phí tài sản xã hội

10:26 | 27/11/2020
Chia sẻ
Đó là tồn tại trong việc phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Đà Nẵng trong ba năm qua theo báo cáo của UBND thành phố.

Cụ thể, kế hoạch phát triển nhà ở TP Đà Nẵng giai đoạn 2018-2020, dự kiến đầu tư xây dựng khoảng 20.359 căn.

Kết quả, đã triển khai đầu tư xây dựng 51 dự án thương mại, dự án khu đô thị có xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có 28 dự án chuyển tiếp và 23 dự án mới.

Đến hết năm 2020, dự kiến hoàn thành 8.520 căn (chung cư: 4.952 căn; nhà liền kề, biệt thự: 3.568 căn), vốn thực hiện khoảng 11.377 tỉ đồng là vốn doanh nghiệp.

Nhà ở liền kề ở Đà Nẵng xây dựng xong chưa có ai ở, lãng phí tài sản xã hội - Ảnh 1.

Một dãy shophouse ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng vắng người thuê ở. (Ảnh: Chu Lai).

Đối với phát triển nhà ở xã hội, báo cáo cũng cho biết, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2018-2020, dự kiến đầu tư xây dựng với khoảng 7.599 căn.

Kết quả đã triển khai đầu tư xây dựng 7 dự án với 7.680 căn, trong đó có 4 dự án chuyển tiếp và ba dự án mới.

Đến hết năm 2020, dự kiến hoàn thành 2.450 căn hộ, tổng vốn thực hiện khoảng 979 tỉ đồng (vốn ngân sách thành phố: 411 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp: 568 tỉ đồng).

Theo UBND TP Đà Nẵng, kết quả phát triển nhà ở của thành phố chỉ đạt 92% so với mục tiêu, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đạt tỉ lệ thấp.

Nguyên nhân do một số dự án chậm tiến độ hoặc dừng triển khai do có vi phạm trong quá trình giao đất, triển khai dự án hoặc phải rà soát lại trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ (giao đất khi chưa lập dự án đầu tư, giảm tiền sử dụng đất 5%, 10%, ...).

Nhà ở liền kề ở Đà Nẵng xây dựng xong chưa có ai ở, lãng phí tài sản xã hội - Ảnh 2.

Một căn trong dãy nhà ở liền rao bán hoặc cho thuê. (Ảnh: Chu Lai).

Đối với nhà ở thương mại, các dự án xây dựng nhà ở để bán rất khó tiêu thụ sản phẩm do người dân thành phố có xu hướng mua đất nền để tự xây dựng nhà ở.

"Nhiều khu nhà liền kề đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa có người dân đến ở gây lãng phí tài sản xã hội, điều này dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư dự án khu đô thị thường đề xuất phân lô bán nền trừ khu vực bắt buộc phải xây dựng nhà để bán", báo cáo chỉ ra.

Đối với nhà ở xã hội, UBND TP Đà Nẵng nhận định, nhu cầu của người dân thành phố là rất lớn, tuy nhiên nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu do một số dự án chậm tiến độ và chưa triển khai các dự án mới do vướng mắc thủ tục lựa chọn chủ đầu tư từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay.

Thị trường bất động sản có xu hướng sụt giảm từ quí II/2019 đến nay và tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản và tiến độ triển khai các dự án.

Tại Đà Nẵng, hiện có nhiều khu đô thị phát triển loại hình nhà ở liền kề như: FPT City (quận Ngũ Hành Sơn), Marina Complex (quận Sơn Trà), Lakeside Palace, Kim Long City (quận Liên Chiểu), Halla Jade (quận Hải Châu)...

Từ thời điểm cuối năm 2019 đến nay, những nhà ở liền kề tại các dự án trên rất ế ẩm, rất ít người ở, cho thuê. Những người mua shophouse treo biển bán càng tăng khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP Đà Nẵng.

Chu Lai

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.