|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp trước áp lực “khéo co” cho vừa kế hoạch năm 2016

15:43 | 16/12/2016
Chia sẻ
Quý IV luôn là khoảng thời gian “áp lực” với nhiều doanh nghiệp khi phải nỗ lực hết sức để hoàn thành kết quả kinh doanh cả năm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chạm tới đích.

Áp lực về đích

Thông thường, vào thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ nhộn nhịp hơn phần còn lại của năm. Tuy nhiên, riêng quý IV khởi sắc khó có thể giúp các doanh nghiệp tự tin đạt được mục tiêu kinh doanh cả năm.

Đại diện Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu Khí (PET) cho biết, hiện Công ty đang tập hợp báo cáo từ các đơn vị thành viên nên chưa có kết quả dự kiến, song năm 2016 là một năm rất khó khăn đối với các mảng dịch vụ. Công ty sẽ cố gắng để hoàn thành kế hoạch, nhưng dự báo kết quả đạt được sẽ thấp hơn so với năm 2015.

Cũng theo PET, cuối năm là giai đoạn tăng trưởng mạnh của mảng phân phối điện thoại và máy tính, mảng hoạt động chính của PET nên sẽ giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận quý IV cao hơn bình quân 3 quý đầu năm.

Công ty đang có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sang các khách hàng ngoài lĩnh vực dầu khí như ngân hàng, công ty FDI, các công ty sản suất có quy mô lớn, tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ ở các thị trường quốc tế lân cận như Malaysia, Phillipines… PET vừa hoàn thành bàn giao khu Dịch vụ nhà ở cho Khu công nghiệp Dầu Nghi Sơn. Dự án sẽ tạo nguồn doanh thu ổn định và bền vững cho PET trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Đạt, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã đưa ra được con số dự kiến về kết quả kinh doanh trong năm 2016 với mức doanh thu ước đạt 1.550 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy, so với chỉ tiêu kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông PXS thông qua là 2.240 tỷ đồng doanh thu, sản lượng 2.650 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng thì Công ty vẫn chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, ông Đạt cho biết, các dự án mà PXS đang thực hiện vẫn đang triển khai đúng tiến độ. Trong năm nay, Công ty đã tập trung vào một số dự án như: Dự án giàn nhà ở Sư tử Trắng LQ Module và LQ Platform, Dự án Topside RC9, Dự án 3P, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy Hóa lọc dầu Nghi Sơn. Trong đó, dự án Sư tử Trắng LQ Module sẽ chính thức bàn giao trong năm 2016 và Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ thực hiện bàn giao trong năm 2017, dự kiến sẽ mang lại doanh thu tốt hơn cho PXS.

Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, chưa nhiều doanh nghiệp sẵn sàng công bố con số dự kiến về lợi nhuận năm 2016 vì phần lớn vẫn quan niệm “tốt khoe, xấu che”. Thế nên, nhiều doanh nghiệp khi công bố kết quả cuối cùng đã khiến cổ đông sốc vì con số đạt rất thấp so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

Điều chỉnh giảm lợi nhuận

Với thời gian còn khá “ít ỏi” trong năm 2016, lại đứng trước áp lực phải hoàn thành kế hoạch, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương án điều chỉnh giảm lợi nhuận. Đây là cách để doanh nghiệp đỡ áp lực hơn khi phải giải trình kết quả kinh doanh tại đại hội đồng cổ đông cho năm tới. Tuy nhiên, mức giảm đột ngột đến hơn 90% thì “ngoài sức tưởng tượng” của các cổ đông, mà Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (PLC) là một trường hợp điển hình.

Doanh nghiệp này đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2016 với doanh thu được điều chỉnh giảm từ gần 2.480 tỷ đồng xuống còn 1.481 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 40%. Lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm từ 120 tỷ đồng xuống còn gần 7,25 tỷ đồng, giảm 94%; sản lượng tiêu thụ năm 2016 điều chỉnh giảm từ 230.000 tấn xuống còn 204.000 tấn.

Cũng theo PLC, kế hoạch sản xuất - kinh doanh hợp nhất của PLC chung cuộc sẽ giảm từ 5.982,7 tỷ đồng xuống 4.983,8 tỷ đồng doanh thu, tương ứng giảm 17%; lợi nhuận trước thuế giảm từ 387 tỷ đồng xuống 246 tỷ đồng, tương ứng giảm 36%. Trong đó, riêng lợi nhuận mảng nhựa đường điều chỉnh giảm trên 141 tỷ đồng. Đây là một trong 2 lĩnh vực kinh doanh chủ lực của PLC.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc doanh nghiệp đạt hay vượt kế hoạch mà quên mất việc phải so sánh với kế hoạch của doanh nghiệp trước hay sau điều chỉnh, cũng như việc có tăng trưởng so với cùng kỳ hay không. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) vừa công bố đạt 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch 26,31%.

Tuy nhiên, trước đó không lâu, SHN đã điều chỉnh giảm 22,43% kế hoạch doanh thu từ 550 tỷ đồng xuống 709 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm 55,19%, từ 212 tỷ đồng xuống còn 95 tỷ đồng. Trong trường hợp này, dù SHN đã vượt mức so với kế hoạch đã điều chỉnh, nhưng có lẽ cổ đông vẫn nên quan tâm hơn đến con số lợi nhuận ban đầu.

Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) là công ty chứng khoán đầu tiên công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo đó, tổng doanh thu của IVS điều chỉnh giảm từ hơn 67 tỷ đồng xuống còn 27,25 tỷ đồng, đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm mạnh, từ 19,53 tỷ đồng xuống còn 2,16 tỷ đồng. Theo IVS, Công ty phải điều chỉnh giảm lợi nhuận do kết quả kinh doanh không thuận lợi.

Tác động bởi yếu tố khách quan

2016 là năm mà doanh nghiệp phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài khó lường trước, trong đó phải nhấn mạnh đến yếu tố tỷ giá và lãi suất. Sự “nhảy múa” liên tục của các đồng ngoại tệ đã làm cho nhiều doanh nghiệp “dở khóc dở cười”.

Với doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ, đặc biệt là bằng USD, biến động quý IV của đồng tiền này không hề dễ chịu, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, đồng thời dự báo sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017. Với khoản vay bằng ngoại tệ lên đến gần 70 triệu USD, lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết cho biết, chỉ trong tháng 11/2016, Công ty phải hạch toán dự phòng chênh lệch tỷ giá hơn 30 tỷ đồng.

Với số lượng doanh nghiệp niêm yết vay nợ bằng đồng USD là khá lớn, tỷ giá USD/VND tăng đang “góp phần” bào mòn bớt lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2016.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mà nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ gặp bất lợi khi USD tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua đang trên đường về.

Trong khi đó, dù yên Nhật (JPY) có điều chỉnh đi xuống cũng không đủ sức kéo kết quả chung cuộc của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) thoát lỗ tỷ giá trong năm 2016. Như chia sẻ của đại diện PPC trước đó, do mức trích lập dự phòng khoản chênh lệch tỷ giá JPY/VND quá lớn kể từ đầu năm đến nay nên Công ty khó có thể hoàn thành được kế hoạch cả năm.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường như giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ lấy các yếu tố biến động tỷ giá, lãi suất cũng như biến động tăng/giảm nguồn nguyên liệu để làm căn cứ cho việc hoạch định kế hoạch kinh doanh năm 2017.

Hoàng Anh