|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất 2.500 đồng/cp

16:11 | 09/10/2022
Chia sẻ
Từ ngày 11 đến 17/10, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 15 doanh nghiệp giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, nhận cổ phiếu thưởng hoặc mua cổ phiếu phát hành thêm.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL) dự định phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện là 24,75%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 10.000 cổ phiếu NVL tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 2.475 cổ phiếu mới.

Novaland hiện có gần 1,95 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành thêm khoảng 483,6 triệu đơn vị NVL.

Vốn điều lệ của Novaland dự kiến tăng từ 19.498 tỷ đồng hiện nay lên gần 24.324 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD và ứng với hơn 2,43 tỷ cổ phiếu NVL lưu hành. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là 17/10, ngày đăng ký cuối cùng là 18/10.

Trong phiên giao dịch gần đây nhất 7/10, giá cổ phiếu NVL giảm 1,5% còn 79.000 đồng/cp. Bảng thống kê bên dưới cho thấy vốn hóa của Novaland hiện nay đạt trên 154.000 tỷ đồng, xếp thứ 5 sàn HOSE và thứ 6 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Trong một tháng qua, cổ phiếu NVL giảm hơn 7%. Nếu so với đầu năm 2022, NVL đã mất 13,2% giá trị. Trong khi đó, VN-Index và VN30-Index sụt lần lượt 31% và 32%. Biểu đồ bên dưới cho thấy NVL thường diễn biến khả quan hơn so với chỉ số tham chiếu.

NVL giảm ít hơn VN-Index.

Ngày 3/10 vừa qua, ông Bùi Thành Nhơn, cựu Chủ tịch Novaland, đã chuyển nhượng 72,73 triệu cổ phiếu NVL. Bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn, cũng chuyển nhượng 21,93 triệu đơn vị NVL. Bên nhận chuyển nhượng tổng cộng gần 95 triệu cổ phiếu NVL nói trên là Công ty cổ phần NovaGroup.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup tại Novaland tăng từ 32,165% lên 37,02%. Trong đợt phát hành tới, NovaGroup sẽ được nhận khoảng 179 triệu cổ phiếu NVL.

Tỷ lệ nắm giữ của vợ chồng ông Nhơn, bà Sương giảm còn lần lượt 4,963% và 4,278%, tức là cả hai đều không còn là cổ đông lớn của Novaland kể từ ngày 3/10. Ông Nhơn thôi chức Chủ tịch tại Novaland từ ngày 19/1/2022.

Công ty cổ phần Gỗ An Cường (Mã: ACG) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 11%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu sẽ được nhận 1.100 đồng. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 14/10 và 4/11.

Gần 136 triệu cổ phiếu ACG đã được hủy đăng ký giao dịch khỏi thị trường UPCoM từ ngày 28/9/2022 để chuẩn bị niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Ngày 10/10 tới đây, toàn bộ cổ phiếu ACG sẽ bắt đầu được giao dịch ở HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 67.300 đồng/cp, biên độ dao động giá trong ngày đầu tiên là 20%, những ngày sau đó là 7%. 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 4,1%, tương đương 410 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 12/10 và 27/10.

Tổng số cổ phiếu GVR đang lưu hành là 4 tỷ đơn vị nên Tập đoàn sẽ cần chi 1.641 tỷ đồng trong đợt cổ tức sắp tới. Phần lớn số tiền này sẽ về tay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại danh nghiệp – đơn vị nắm giữ 96,77% vốn của GVR. Biểu đồ bên dưới cho thấy GVR là một trong 10 doanh nghiệp có nhiều cổ phiếu lưu hành nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 12/10 và 14/11.

Lộc Trời hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ cây trồng, kinh doanh hóa chất, hạt giống và bao bì giấy ở Việt Nam, chế biến gạo cho xuất khẩu. Công ty hiện có vốn điều lệ gần 806 tỷ đồng nên sẽ cần chi gần 172 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới.

Giá cổ phiếu LTG hiện thấp hơn 10% so với đầu năm 2022.

Tổng Công ty Đức Giang (Mã: MGG)CTCP Đại lý Hàng hải Việt Nam (Mã: VSA) đều dự tính trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương đương 2.500 đồng/cp. Ngày GDKHQ lần lượt là 11/10 và 14/10.

 

Song Ngọc