Nhiều doanh nghiệp rơi vào 'mớ bòng bong' hạch toán chi phí
Từ chuyện mới nhớ về chuyện cũ
Chuyện mới của Bibica là các thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm 90,72% so với quý I/2019.
Doanh thu thuần của Bibica là 206,5 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán là 154,2 tỷ đồng, giảm 27,12% so với cùng kỳ năm trước. Do doanh thu thuần giảm mạnh hơn so với giá vốn hàng bán, nên lợi nhuận gộp giảm 38,56%, tương ứng mức giảm tuyệt đối 32,9 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính quý I/2020 là 5,4 tỷ đồng, giảm 12,91% so với quý I/2019. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn so với năm trước, tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần trong quý I/2020 là 8,7% (quý I/2019 chỉ 5,64%).
Báo cáo tài chính quý I/2020 ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn là 135 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 91,5 tỷ đồng, các khoản phải thu khác 41,8 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là hơn 5,4 tỷ đồng.
Đề cập câu chuyện về các khoản phải thu của Bibica, nhà đầu tư vẫn chưa quên nội dung liên quan đến một khoản phải thu đặc biệt của doanh nghiệp này phát sinh trong năm 2019.
Cụ thể, trong báo cáo tài chính năm 2019, Bibica đã hạch toán khoản tiền đã nộp truy thu thuế giá trị gia tăng bị truy thu của hàng hóa dùng để khuyến mại và tiền phạt chậm nộp đã nộp cho cơ quan thuế vào các khoản phải thu ngắn hạn. Số tiền lần lượt là hơn 5 tỷ đồng và gần 964 triệu đồng.
Đây là khoản thuế giá trị gia tăng bị truy thu và tiền phạt do khai sai, chậm nộp cho cơ quan thuế theo Biên bản kiểm tra thuế hồi tháng 1/2019 và Quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội về kết quả quyết toán thuế của Nhà máy Bibica Hà Nội cho các năm tài chính 2016 - 2017.
Mông lung cách hạch toán chi phí
Bibica không phải trường hợp hiếm hoi gặp phải những rắc rối liên quan việc hạch toán các khoản chi phí truy thu thuế, bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp khác cũng khá lúng túng khi gặp các tình huống tương tự.
Chẳng hạn, năm 2019, Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn (mã CLW, sàn HoSE) đã thực hiện gắn miễn phí 6.000 đồng hồ nước cho khách hàng, với tổng chi phí phát sinh hơn 13,4 tỷ đồng.
Theo kiểm toán viên, việc thay đổi thời gian phân bổ chi phí gắn mới đồng hồ nước đã làm chỉ tiêu “giá vốn hàng bán” trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 tăng lên với số tiền 12,3 tỷ đồng.
Điều này làm lợi nhuận trước thuế trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 và chỉ tiêu “chi phí trả trước dài hạn” trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2019 giảm xuống mức tương ứng 12,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cho rằng, đồng hồ nước đã gắn cho khách hàng là dụng cụ đo lường có giá trị nhỏ.
Để giảm áp lực tài chính cho các năm tài chính tiếp theo, cũng như xét tình hình thực hiện tài chính năm 2019 của Công ty là khả quan, vượt kế hoạch đề ra, nên HĐQT Công ty quyết định ghi nhận toàn bộ chi phí gắn mới đồng hồ nước của năm 2019 vào kết quả hoạt động kinh doanh, thay vì phân bổ dần vào kết quả kinh doanh trong thời gian hữu dụng của đồng hồ nước như các năm trước.
Công ty Cấp nước Chợ Lớn cam kết, việc thực hiện chính sách thay đổi thời gian phân bổ chi phí gắn đồng hồ nước phù hợp với chuẩn mức kế toán về việc thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Cũng trong mớ bòng bong về cách hạch toán chi phí là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (mã VPG, sàn HoSE).
Trong năm 2019, Công ty đã điều chỉnh hồi tố một khoản chi phí thuế xuất nhập khẩu vào chi phí năm 2018. Thắc mắc đặt ra là tại sao Công ty ghi nhận khoản đó vào chi phí năm 2018, mà không phải năm 2017 hoặc năm 2019?
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cho biết, cơ sở để Công ty điều chỉnh hồi tố thuế xuất khẩu năm 2018 theo quyết định của Cục Hải quan Lào Cai và của Kiểm toán Nhà nước.
“Thuế xuất khẩu của các tờ khai phát sinh trong năm 2018 nên điều chỉnh vào năm 2018. Năm 2017, chỉ phát sinh ít tờ khai và số tiền thuế ít, nên kiểm toán điều chỉnh hồi tố vào năm 2018”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, bà Khuất Thị Liên Hương, Trưởng ban Cao cấp đối ngoại thuộc Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc cho rằng, theo nguyên tắc chung, thì chi phí chi trả trong năm nào phải ghi nhận vào chi phí năm đó.
Theo đó, việc hạch toán hồi tố chi phí truy thu thuế thực hiện trong năm 2019 vào các năm trước là không đúng.
Theo bà Hương, tình trạng doanh nghiệp hạch toán sai như trên thường xảy ra do một số nguyên nhân.
Một trong số đó là một số doanh nghiệp “nể nang” cơ quan thuế, bởi các cơ quan thuế thường muốn thu được mức thế cao nhất trong năm hiện tại, nên có tâm lý hướng cho doanh nghiệp đẩy bớt chi phí của năm hiện tại để thu được nhiều thuế nhất có thể.
Tuy vậy, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ ý chí chủ quan của chính doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp niêm yết.
Trường hợp này xảy ra khi doanh nghiệp muốn làm đẹp con số lợi nhuận năm hiện tại, nên muốn đẩy bớt chi phí lẽ ra phải hạch toán vào năm nay sang những năm trước đó.
Ý kiến kiểm toán cũng “đa nghĩa”
Trong những trường hợp trên, ngay cả kiểm toán viên và các công ty kiểm toán, khi nêu ý kiến trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cũng đưa ra những câu khá “lấp lửng”, dễ làm người đọc hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty Việt Phát, Công ty Kiểm toán Deloitte sau khi nêu “vấn đề cần nhấn mạnh” liên quan đến khoản điều chỉnh hồi tố số liệu thuế xuất nhập khẩu nêu trên, cũng có “củng cố” lại một câu cuối cùng là “ý kiến kiểm toán của chúng tôi không liên quan đến vấn đề này”.
Tương tự, ý kiến kiểm toán của Ernst & Young Việt Nam với báo cáo tài chính của Bibica nêu ở phần cuối của “vấn đề cần nhấn mạnh” rằng, “ý kiến kiểm toán của chúng tôi không liên quan đến vấn đề cần nhấn mạnh này”.
Hiểu về mặt văn phạm, thì câu nội dung có tính “củng cố” trên của công ty kiểm toán thể hiện báo cáo kiểm toán của công ty kiểm toán chỉ bao gồm trách nhiệm liên quan đến các vấn đề khác của báo cáo tài chính, loại trừ nội dung liên quan đến phần họ vừa nêu ý kiến nhấn mạnh.
Theo chuẩn mực kiểm toán, báo cáo kiểm toán có “vấn đề cần nhấn mạnh” khi kiểm toán viên thấy cần phải thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với một vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà theo xét đoán của kiểm toán viên, vấn đề đó là đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính.
Báo cáo kiểm toán có “vấn đề cần nhấn mạnh” không nằm trong các dạng các báo cáo kiểm toán có thể từ chối trách nhiệm đối với bất cứ phần nội dung nào trong toàn bộ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Cũng theo chuẩn mực kiểm toán, có 3 dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính.
Đó là “ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, “ý kiến kiểm toán trái ngược” và “từ chối đưa ra ý kiến”. Ý kiến kiểm toán có “vấn đề cần nhấn mạnh” không nằm trong 1 trong 3 dạng này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính cho rằng, các công ty kiểm toán khi quyết định đưa ra một trong 3 loại ý kiến kiểm toán như “ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, “ý kiến kiểm toán trái ngược” và “từ chối đưa ra ý kiến” luôn cân nhắc rằng, việc biến động số liệu (nếu có) có phải là những ảnh hưởng trọng yếu hay không.
Thực tế, việc xác định một yếu tố là “ảnh hưởng trọng yếu” cũng khá mơ hồ. Theo lãnh đạo một công ty kiểm toán, một yếu tố làm biến động số tiền khoảng một vài tỷ đồng nếu để trong một bối cảnh đơn lẻ, thì rất khó xác định biến động đó là trọng yếu hay không.
Sai số đó, nếu đặt trong bối cảnh cụ thể, thì có thể sẽ dễ xác định hơn.
Một số cách ước lượng thông thường khi đánh giá yếu tố trọng yếu là đối chiếu số tiền đó với doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Nếu sai số dẫn đến biến động tới 1% doanh thu hoặc 10% lợi nhuận thì có thể coi là ảnh hưởng trọng yếu.
Với trường hợp của Bibica, nếu đưa khoản truy thu và chậm nộp thuế vào chi phí 2019, thì biến động lợi nhuận sẽ dưới 6 tỷ đồng, chỉ khoảng 0,4% doanh thu và 6,3% lợi nhuận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/