|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều cụm công nghiệp bỏ hoang

14:55 | 06/03/2020
Chia sẻ
Phần lớn các cụm công nghiệp ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên hiện chẳng có nhà đầu tư nào đến

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 35 cụm công nghiệp (CCN) được hình thành. Đến nay, 27 CCN đã thành lập nhưng phần lớn chưa có cơ sở hạ tầng đồng bộ, chưa thu hút được đầu tư.

1 năm thu hút được... 1 dự án

Tại huyện miền núi Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), CCN Nghị Đức hứa hẹn sẽ đem lại diện mạo mới về phát triển công nghiệp cho địa phương. 

Tuy nhiên, đã hơn 10 năm UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư, CCN này chưa thu hút được dự án nào vào hoạt động.

Nhiều cụm công nghiệp bỏ hoang - Ảnh 1.

Nhiều cụm công nghiệp ở Bình Thuận nhiều năm không được đầu tư hạ tầng Ảnh: Hợp Phố

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 35 CCN với tổng diện tích hơn 1.162 ha. 

Hiện đã có 27 CCN thành lập mà chỉ thu hút được 170 dự án trên tổng diện tích 265 ha, chiếm 1/4 diện tích các CCN trong tỉnh. Riêng năm 2019, Bình Thuận chỉ thu hút được 1 dự án sản xuất giày dép vào hoạt động tại CCN.

Cả tỉnh Bình Thuận có 22 CCN, phần lớn mới đầu tư các tuyến giao thông chính hoặc san lấp mặt bằng. Chỉ có 4 CCN trên toàn tỉnh được đầu tư cơ bản về hạ tầng, trong đó 1 CCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thừa nhận không ít trường hợp CCN chưa triển khai đầu tư hạ tầng khi đã có chủ trương đầu tư.

"Ngoài một số nguyên nhân về vị trí địa lý, điều kiện về hạ tầng giao thông thì còn do việc bố trí vốn đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào phụ thuộc vào tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong và khả năng lấp đầy CCN. 

Bên cạnh đó, năng lực một số nhà đầu tư hạ tầng còn yếu, tiến độ xây dựng và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN còn chậm, chưa đạt yêu cầu" - ông Kính nói.

Lãng phí đất

Tại tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập 11 CCN - tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, CCN hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần èo uột, không có doanh nghiệp (DN) đến đầu tư.

CCN - tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Pah được UBND tỉnh Gia Lai thành lập từ năm 2015 trên diện tích gần 54 ha tại thôn Tân Lập, xã Ia Khươl với mục đích thu hút ngành nghề đầu tư là công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng - trang trí, cơ khí chế tạo máy... Hiện CCN - tiểu thủ công nghiệp này chỉ có vài nhà đầu tư thứ cấp.

Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, khẳng định chính quyền địa phương sẵn sàng tạo mọi điều kiện để DN tới đầu tư. 

Năm 2019, 6 DN tới đăng ký đầu tư dự án tại CCN - tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư và giá nông sản xuống thấp nên đến nay, các DN này xin được giãn dự án. 

"Huyện cũng muốn đầu tư hạ tầng, cơ sở cho bài bản nhưng việc đầu tư phải đi đôi với việc thu hút các DN, trong khi nguồn ngân sách có hạn" - ông Kiên nêu rõ.

Huyện Chư Prông có 2 CCN - tiểu thủ công nghiệp ở xã Thăng Hưng và thị trấn Chư Prông. Tại CCN - tiểu thủ công nghiệp ở đầu thị trấn Chư Prông, rất ít người biết về sự tồn tại của CCN - tiểu thủ công nghiệp này. 

Trừ một số tuyến đường đã làm nhiều năm, không thấy bất cứ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào.

Còn CCN - tiểu thủ công nghiệp tại xã Thăng Hưng được UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2009 với diện tích 15 ha. 

Qua nhiều năm triển khai, chưa có đến 10 DN đầu tư. Chỉ một số ít DN chế biến lâm sản đang hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu hạn chế. Thậm chí, một DN đóng cửa, không hoạt động và đang rao bán.

"Thật lãng phí! Đất đó để dân sản xuất còn hiệu quả hơn" - một người dân sống gần CCN - tiểu thủ công nghiệp này bức xúc. 

Xem xét thu hồi chủ trương đầu tư

Để gỡ khó cho các CCN, năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận sẽ rà soát quy hoạch CCN, đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2; tháo gỡ khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng CCN Phú Long. Một giải pháp nữa được đưa ra là tăng cường công tác mời gọi đầu tư.

"Chúng tôi sẽ rà soát các dự án đầu tư CCN còn chậm, không có khả năng triển khai, xem xét thu hồi chủ trương đầu tư" - ông Đỗ Minh Kính nói.

Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã từng thu hồi chủ trương đầu tư hạ tầng CCN La Gi và CCN Hải Ninh đối với Công ty CP Đầu tư Tân An Thành, bãi bỏ chủ trương lập hồ sơ đầu tư CCN Mũi Né của Công ty TNHH Xây lắp Trường An do chậm triển khai.

Hợp Phố - Hoàng Thanh