Nghịch lí đầu tư cụm công nghiệp
Việc phát triển KCN, CCN với hai nhiệm vụ song song, KCN sẽ dành để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, DN lớn; còn CCN sẽ là nơi để thu hút DN nhỏ, siêu nhỏ, DN vừa cũng như các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể... vốn ít tài chính.
Tuy vậy, nghịch lý là trong khi hơn 30 KCN ở Đồng Nai đang lấp đầy diện tích và chuẩn bị mở thêm nhiều KCN mới thì việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng CCN lại rất ì ạch.
Nguyên nhân được cho là tỷ suất đầu tư của CCN ngày càng cao, một phần do giá đất trên thị trường tăng phi mã, gấp 3-4 lần so với trước.
Một số chủ đầu tư hạ tầng CCN tính toán, với giá đất bồi thường và những chi phí khác đều tăng như hiện nay thì tới đây đất trong các CCN còn cao hơn cả KCN.
Dù tỉnh có chính sách hỗ trợ mỗi CCN từ 15-20 tỷ đồng cho DN làm hạ tầng cũng rất khó bù lại được và khó kéo giảm giá đất cho thuê.
Điều đó sẽ kéo theo DN thứ cấp không đủ năng lực thuê đất để xây dựng nhà máy. Trong khi sự hỗ trợ kinh phí di dời từ ngân sách tối đa chỉ được 300 triệu đồng/DN thì chi phí bỏ ra có thể lên tới cả chục tỷ đồng. Đầu tư xong cho nhà xưởng, máy móc…, DN cạn kiệt nguồn lực nên họ rất e ngại.
Ngoài nguyên nhân chính về chi phí thì một số CCN còn bất cập về quy hoạch như xa vùng nguyên liệu, hoặc chưa phù hợp với nguyện vọng của nhà đầu tư, DN.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư hạ tầng không đủ năng lực dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm trễ, ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án khác.
Mặt khác, có nhiều CCN được hình thành tự phát trước khi được quy hoạch và đã có nhiều DN thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh, cho thuê theo phương thức cấp rời từng dự án nên khó thu hút nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Đó cũng là lý do mà từ rất nhiều CCN ban đầu, hiện Đồng Nai chỉ còn lại 27 CCC trong quy hoạch. Các DN hạ tầng chần chừ đầu tư, các DN thứ cấp cũng không mặn mà, chấp nhận mua, thuê đất trong các khu dân cư hoặc vị trí không được quy hoạch.
Điều này dẫn đến nhiệm vụ di dời hàng trăm cơ sở không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không đạt được.
Không chỉ vậy, các địa phương cho hay thủ tục để đầu tư cũng rất phức tạp, nhiều khu vực chồng lấn với đất lúa, đất rừng, là những loại đất quan trọng nên phải chuyển đổi mục đích, và thời gian này kéo dài rất lâu do có sự chồng chéo về quản lý.
Rõ ràng, để thay đổi, trước hết cần phải sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển CCN và quản lý các dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm cho sát với thực tế và có tính khả thi cao, tránh chồng chéo.
Nói như Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, đây là thời điểm mà sức hút của CCN không có, do đó cần mạnh tay loại bỏ các CCN kém hiệu quả, không triển vọng để mỗi đồng tiền bỏ ra phải mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho tỉnh và người dân.