Nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ dè dặt với kế hoạch lợi nhuận trong năm 2022
Theo báo cáo cập nhật ngành bảo hiểm mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tổng hợp kế hoạch kinh doanh năm 2022 của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết đã công bố đến thời điểm hiện tại.
Trong đó, đa phần các doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng trưởng khả quan về doanh thu phí bảo hiểm nhưng lại thận trọng về lợi nhuận với mục tiêu tăng trưởng thấp hoặc thậm chí giảm so với năm trước.
Ngoài nguyên nhân về tỷ lệ bồi thường sẽ trở lại mức bình thường từ mức thấp đột biến của năm 2021, việc khởi động lại các chương trình hỗ trợ kinh doanh sau một năm cắt giảm cũng sẽ tác động khiến chi phí bán hàng tăng mạnh. Lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm, theo đó, có thể sẽ thu hẹp, VDSC nhận định.
Chuyên gia cho rằng đối với nguồn thu từ đầu tư thường chiếm hơn 70% lợi nhuận của các công ty bảo hiểm, lãi cao từ hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư như năm 2021 sẽ không lặp lại, căn cứ vào bối cảnh thị trường cổ phiếu ảm đạm trong năm nay.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ chỉ tăng nhẹ 0,3-0,5 điểm % cơ bản với các kỳ hạn dưới 1 năm (kỳ hạn gửi tiền phổ biến của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ) theo định hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ trong khi quy mô tiền gửi sẽ tăng tương ứng với quy mô phí bảo hiểm (13-14%).
"Mức tăng về lợi nhuận từ tiền gửi sẽ không đủ lớn để bù đắp cho phần giảm của lợi nhuận từ cổ phiếu. Do đó, lợi nhuận đầu tư cũng sẽ suy giảm trong năm nay," báo cáo viết.
Doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 trở lại đà tăng trưởng cao
Trong năm 2022, chuyên gia nhận định bối cảnh nền kinh tế phục hồi và các thay đổi về chính sách đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng doanh thu phí của nhiều sản phẩm bảo hiểm.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5% và thông thường, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ luôn gấp đôi tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, các biến động địa chính trị gần đây đã và đang gây nhiều hệ quả tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng nhu cầu bảo hiểm trong thời gian tới. Dù vậy, VDSC vẫn kỳ vọng doanh thu phí sẽ phục hồi tốt từ mức nền thấp của năm 2021.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe cơ giới.
Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được kỳ vọng sẽ gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ và giảm tỷ lệ bồi thường của sản phẩm này.
Nghị định số 20/2022 NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, tạo cơ sở tăng trưởng doanh thu cho bảo hiểm trách nhiệm hoặc bảo hiểm xây dựng (tùy theo cách phân loại của công ty bảo hiểm).
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ hai tháng đầu năm đạt 11.248 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Xem xét các yếu tố bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới nổi lên gần đây, nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ có thể sẽ chậm lại trong các tháng tới và tăng trưởng cả năm có thể đạt xấp xỉ 13-14% hay 65.386 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên cơ sở các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường, chuyên gia cho rằng nhiều khả năng chi phí bồi thường sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2022.
Dựa trên các giả định về tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc 13,5% và tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc tương đương mức trung bình giai đoạn 2014 – 2019 (trước dịch bệnh) là 38,9%, công ty chứng khoán ước tính số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc toàn ngành có thể tăng mạnh 34,6% lên 25.435 tỷ đồng.