Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 9
Quán karaoke chỉ được mở cửa đến 0 giờ
Nghị định 54 về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 1/9. Nội dung Nghị định nêu rõ, các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 0h thì các vũ trường được hoạt động đến 2h sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 8h sáng.
Chính sách mới này còn quy định để mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, trong đó diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát.
Trong khi đó, vũ trường phải có diện tích từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ; địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.
Quân nhân xuất ngũ được tăng trợ cấp tăng 7,19%
Quân nhân xuất ngũ được tăng trợ cấp 7,19%
Thông tư 106 hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 8/9.
Nội dung Thông tư nêu rõ từ ngày 1/7, tăng 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng quân nhân đã phục viên, xuất ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ… Tùy thuộc vào năm công tác, mức trợ cấp dao động từ 1,891 triệu đồng/tháng đến 2,235 triệu đồng/tháng.
Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm
Nghị định 62 sửa đổi Nghị định 35 về quản lý và sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực từ ngày 1/9. Nội dung Nghị định nêu rõ các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã.
Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm…
Cố ý làm hỏng xe công bị phạt 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/9, Nghị định 63/2019 quy định rõ mức phạt hành chính với sai phạm trong giao, sử dụng tài sản công hoặc cố ý hủy hoại, làm hư hỏng tài sản. Cụ thể, mức phạt 1-5 triệu đồng áp dụng với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng.
Nếu giá trị thiệt hại trên mức 100 triệu đồng, tiền phạt là 5-10 triệu đồng.
Nghị định 63 cũng nêu rõ trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ôtô, mức phạt sẽ từ 10 đến 20 triệu đồng.
Nghị định cũng nâng mức xử phạt hành chính với các vi phạm về cho mượn tài sản công. Cụ thể, phạt tiền 50-60 triệu đồng nếu cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ôtô (mức phạt hiện nay chỉ tối đa 20 triệu đồng).