|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Nhiều chất phụ gia được phép ở Việt Nam nhưng nước khác cấm’

20:25 | 20/10/2016
Chia sẻ
TS. Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) khẳng định, kèm dẫn chứng là chất bảo quản 202, chất tạo màu 124.

Song song với những tranh cãi về tính đúng đắn và trong sáng của cuộc khảo sát "arsen trong nước mắm" do Vinastas vừa công bố, nhiều người cũng lo lắng về tính an toàn của những loại nước mắm có độ đạm thấp và sử dụng hàng chục loại phụ gia hóa chất.

Chiều ngày 20/10, trao đổi với phóng viên VietnamBiz/PL&XH, TS. Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: các chất phụ gia mà doanh nghiệp chế biến nước mắm thêm vào có chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tạo màu… nằm trong danh mục cho phép sử dụng để chế biến thực phẩm.

Nhưng tùy từng nước mà có chất bị cấm, có chất được phép sử dụng với liều lượng nhất định tính theo đơn vị mg/kg hoặc mg/L.

“Tùy theo thể trạng mỗi người mà có thể tiếp nhận khối lượng chất phụ gia khác nhau. Người 60 kg sẽ tiếp nhận được nhiều chất phụ gia hơn người 40 kg mà vẫn đảm bảo được sức khỏe”, ông Hiếu cho biết.

Những quy định về nước chấm (được hiểu là loại nước tương tự nước mắm, nhưng dưới 10 độ đạm - PV) của Việt Nam hiện nay (TCVN 5107 - 2003 và QCVN 8-2:2011/BYT) chỉ giới hạn dư lượng kim loại nặng mà chưa đề cập cụ thể đến việc sử dụng các chất phụ gia trong quá trình sản xuất sản phẩm này.

Ông Hiếu ví dụ: “Chất bảo quản ký hiệu 202 không được quốc tế cho phép sử dụng nhưng Bộ Y tế của nước ta lại cho phép dùng với liều lượng giới hạn; Chất tạo màu 124 cũng bị cấm ở một số nước nhưng nước ta lại không cấm… Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về việc sử dụng các chất phụ gia trong công nghiệp sản xuất nước mắm”.

Theo ông Hiếu, Quy định về chất phụ gia chỉ có trong Bộ tiêu chuẩn Codex về nước mắm, do ủy ban Codex Việt Nam (đơn vị do FAO và WHO đồng sáng lập) và Thái Lan cùng biên soạn, được thông qua từ tháng 7/2011.

“Tuy nhiên phải khẳng định, cái gì không phải tự nhiên thì không tốt. Các chất này không ảnh hưởng trực tiếp và người dùng sẽ không nhìn thấy ngay biểu hiện của sự tác động. Nhưng việc sử dụng chất phụ gia lâu ngày sẽ tích tụ lại trong cơ thể, có thể là 10 - 20 năm sau mới thấy rõ ảnh hưởng”.

“Sử dụng bao nhiêu phụ gia không có ý nghĩa nhiều”

Ngày 14/10, trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP HCM, bà Lê Thị Nga, Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan khẳng định: “Sử dụng bao nhiêu phụ gia không có ý nghĩa nhiều”.

PV: Trên thị trường có nhiều loại nước mắm cũng dùng phụ gia nhưng thường chỉ có vài loại phụ gia. Nhưng nước mắm Nam Ngư của Masan có tới 17 loại phụ gia. Theo bà, có cần phải sử dụng quá nhiều phụ gia như vậy không?

Bà Lê Thị Nga: Trong nước mắm, nước tương, thực phẩm tiện lợi, nước giải khát... không thể thiếu phụ gia. Đấy là phụ gia thực phẩm. Quan trọng là dùng đúng danh mục, liều lượng, tỉ lệ…, phù hợp với quy định và công bố rõ ràng.

Chuyện sử dụng bao nhiêu phụ gia hay bao nhiêu nước mắm cốt, pha loãng bao nhiêu lần... không có ý nghĩa nhiều. Quan trọng là giải pháp tổng thể để có sản phẩm ngon, an toàn cho sức khỏe.

Thay vì ngồi tranh cãi 17 phụ gia hay bao nhiêu phụ gia thì nên quan tâm đến ô nhiễm kim loại nặng, thạch tín...

(Theo Pháp luật TP.HCM)


Ngày 17/10, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đưa ra kết quả khảo sát: "67% mẫu nước mắm có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế, loại nước mắm có độ đạm càng cao thì lượng arsen vượt ngưỡng càng cao". Công bố này, theo các chuyên gia, là không đúng vì Bộ Y tế chỉ quy định giới hạn dư lượng arsen vô cơ.

Sau nhiều ý kiến phản ứng gay gắt về công bố này, đại diện Vinastas tái khẳng định: "nghiên cứu không phát hiện arsen vô cơ, loại gây hại cho sức khỏe người dùng, nước mắm vẫn an toàn".

Linh Lê