|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiệt điện Thái Bình 2: Bài toán khó từ Bộ Công thương chuyển sang ‘Siêu Ủy ban’

14:38 | 31/12/2018
Chia sẻ
Thiếu nguồn tiền để thực hiện dự án, chậm tiến độ nhiều năm, nhà máy chưa hoạt động mà thiết bị đã hết hạn bảo hành ... là những khó khăn của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 mà Siêu Ủy ban phải giải quyết sau khi tiếp nhận PVN từ Bộ Công thương.
nhiet dien thai binh 2 bai toan kho tu bo cong thuong chuyen sang sieu uy ban Nhiệt điện Thái Bình 2: Ngân hàng ngừng giải ngân, dự án lo phải 'đắp chiếu'

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Công thương đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả kiểm tra, làm việc của Đoàn Công tác liên ngành tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án).

Dự án "nóng" nhiều năm qua

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận vì đã khiến nhiều lãnh đạo PVN và PVC vướng lao lí. Các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, ... bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử cũng một phần vì những sai phạm tại dự án này.

Dự án có công suất 2x600MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. PVN đã phê duyệt dự án đầu tư tại quyết định ngày 2/7/2010.

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được lựa chọn làm tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) của Dự án. Giá trị hợp đồng EPC là 918,5 triệu USD và 5.874 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành tổ máy 1 và 2 tương ứng là 39 tháng và 45 tháng kể từ ngày 22/6/2010.

Ngày 4/10/2016, PVN đã phê duyệt Tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh (lần 2) với giá trị sau thuế khoảng 41.799 tỉ đồng (gồm khoảng 17.392 tỉ đồng và 1,16 tỉ USD). Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, dự án được đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 năm 2017, tổ máy số 2 năm 2018.

Bộ Công thương thành lập Đoàn Công tác kiểm tra Dự án

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 7/9/2018, Bộ Công thương đã thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện đến từ các Bộ, cơ quan gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ngày 8/11/2018, Đoàn Công tác liên ngành đã trực tiếp kiểm tra công trường, làm việc tại Dự án. Căn cứ kiến nghị trước đó của PVN và ý kiến của các thành viên Đoàn Công tác liên ngành, Bộ Công thương tổng hợp các tồn tại, vướng mắc chính của Dự án như sau:

  1. PVC chưa có kinh nghiệp làm tổng thầu EPC Nhà máy nhiệt điện than. Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã kí với nhà thầu phụ.
  2. Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của Dự án (1.115 tỉ đồng) vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện Dự án
  3. Theo báo cáo của PVN, dự kiến đến khi hoàn thành Dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỉ đồng so với giá trị hợp đồng EPC (được kí điều chỉnh sau khi TMĐT điều chỉnh lần 2 được phê duyệt).
  4. PVN khó khăn trong thu xếp nguồn vốn còn thiếu: gồm 326,8 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018 (hiện chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn) và khoảng 342,15 triệu USD chưa kí được hợp đồng vay (dự kiến vay trong nước).
  5. Đến nay, nhiều thiết bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Việc dự án tiếp tục bị chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo.
nhiet dien thai binh 2 bai toan kho tu bo cong thuong chuyen sang sieu uy ban
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: PVN.

Ngoài ra, Đoàn Công tác cũng đưa ra đánh giá:

  1. Nếu Dự án vào vận hành năm 2020 như PVN báo cáo thì tiến độ hoàn thành dự án bị chậm 55-57 tháng so với Hợp đồng EPC đã kí năm 2011 và bị chậm 27 tháng so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
  2. Dự án có qui mô lớn, nếu không sớm thực hiện, hoàn thành sẽ dẫn tới phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Tuy nhiên, các vướng mắc của Dự án là phức tạp, cần sự chỉ đạo và ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành.
  3. Sau gần một năm, kể từ tháng 11/2017 (thời điểm PVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ) đến cuối tháng 10/2018, Dự án gần như không có tiến triển, tiến độ Tổng thể Dự án chỉ tăng từ mức 80,9% lên 82,78% (tương ứng khoảng 1,88 điểm %). Do vậy nếu không kịp thời có giải pháp tháo gỡ tổng thể, Dự án sẽ tiếp tục chậm, thậm chí không thể hoàn thành và dẫn tới nhiều phát sinh, tác động xấu.
  4. Tổng thầu PVC thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế, không có đủ vốn lưu động để đảm bảo dòng tiền thực hiện Dự án. Đến thời điểm Đoàn công tác làm việc PVN chưa có báo cáo đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế của Dự án theo mốc tiến độ mới; công tác thanh toán công nợ của PVC với nhà thầu phụ. Do vậy, Đoàn công tác liên ngành chưa đủ cơ sở để khẳng định việc PVC tiếp tục thực hiện Dự án là phương án tối ưu cũng như khả năng PVC thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo Hợp đồng EPC đã kí.
  5. Trong trường hợp PVC tiếp tục được giao làm Tổng thầu EPC và Dự án thu xếp được vốn để tiếp tục triển khai, cần có nỗ lực cao nhất từ PVN, PVC và các nhà thầu phụ; đồng thời PVN với vai trò là chủ đầu tư cần kiểm soát chặt chẽ công tác nghiệm thu, thanh toán và phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn tiền phục vụ Dự án.
  6. Những khó khăn, vướng mắc của Dự án và kiến nghị của PVN chủ yếu liên quan tới thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trăm sự nhờ ‘Siêu Ủy ban’

Đoàn Công tác liên ngành cũng đưa ra ý kiến về 15 kiến nghị của PVN về các vấn đề:

  1. Về nguồn lực triển khai dự án
  2. Việc sử dụng vượt vốn chủ sở hữu
  3. Tiến độ hoàn thành dự án
  4. Phạt hợp đồng do chậm tiến độ
  5. Giảm giá hợp đồng do chỉ định thầu
  6. Về chi phí khác của Tổng thầu cho phần thiết bị và dịch vụ nhập khẩu
  7. Về chi phí quản lý của Tổng thầu.
  8. Về nguyên tắc xác định phần giá trọng gói và phần giá điều chỉnh của Hợp đồng EPC
  9. Về số tiền bị phong tỏa của tổng thầu PVC và đơn vị thành viên tại Ngân hàng TNHH Một thành viên Oceanbank.
  10. Về số dư tài khoản ủy thác của PVN (khoảng 955 tỉ đồng)
  11. Về các khoản vay thực hiện dự án
  12. Về cơ chế
  13. Về công tác thanh, kiểm tra đối với Dự án
  14. Về vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam
  15. Việc điều chỉnh Tổng mức đầu tư theo giá trị quyết toán hoàn thành

Trong 15 vấn đề này thì có tới 14 vấn đề được Đoàn Công tác liên ngành cho rằng thuộc chức năng, nhiệm vụ của chủ sở hữu và do vậy, đề nghị Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước (UBQLV) tại doanh nghiệp xem xét, đề xuất, cho ý kiến.

Cụ thể, ngày 10/11/2018, Bộ Công thương và Ủy UBQLV đã kí biên bản bàn giao 1 tổng công ty và 5 tập đoàn (trong đó có PVN) sang UBQLV làm đại diện chủ sở hữu. Bộ Công thương cho rằng các khó khăn, vướng mắc nêu trên của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chủ yếu liên quan đến việc bố trí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBQLV.

Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBQLV tiếp nhận để chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành tiếp tục xử lý vướng mắc tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và các dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Sông Hậu I. Bộ Công thương cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với UBQLV trong quá trình xem xét, giải quyết khó khăn của các dự án nêu trên.

127 tỉ đồng còn mắc kẹt tại Oceanbank, các ngân hàng khác chưa thể vào cuộc

Đối với vấn đề số 9: Số tiền bị phong tỏa của tổng thầu PVC và đơn vị thành viên tại Ngân hàng TNHH Một thành viên Oceanbank, PVN kiến nghị chấp thuận chủ trương để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Oceanbank giải tỏa số dư tiền gửi của PVC (khoảng 82 tỉ đồng) và đơn vị thành viên đang thi công tại Dự án là PVC – IC (khoảng 45 tỉ đồng) đang bị phong tỏa, để sử dụng cho Dự án.

Đoàn Công tác liên ngành trích dẫn lại ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 13/2/2018 cho biết việc này sẽ được xử lý tổng thể trong Phương án tái cơ cấu Oceanbank và chi trả theo lộ trình sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án tái cơ cấu.

Đoàn công tác cũng cho rằng nếu PVC và PVC – IC có thể rút được tiền gửi tại Oceanbank thì các nhà thầu này sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện dự án.

Ngoài ra, PVN còn kiến nghị NHNN ủng hộ khi các ngân hàng thương mại trong nước xin phép cấp tín dụng cho PVN vượt giới hạn cấp tín dụng để giải ngân cho dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

NHNN cho biết theo quy định tại khoản 7, điều 128 Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và khả năng hợp vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu cầu vay vốn của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngày 22/3/2018, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng phối hợp với PVN để thẩm định, xem xét cho vay theo đúng quy định hiện hành; trường hợp vượt giới hạn tín dụng, các ngân hàng thương mại phải báo cáo NHNN để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thực trạng cấp tín dụng và cấp tín dụng vượt giới hạn cho PVN để thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II:

Đây là dự án điện cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với các đề nghị của VietinBank, Vietcombank, Seabank, và LienVietPostbank được cấp tín dụng vượt giới hạn đối với PVN, PVN và người có liên quan để thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình II với tổng số tiền là 4.600 tỉ đồng (Vietcombank: 1.500 tỉ đồng, VietinBank: 1.600 tỉ đồng, LienVietPostbank: 500 tỉ đồng và Seabank: 1.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng này chưa kí kết được hợp đồng cấp tín dụng cho PVN để thực hiện Dự án vì PVN chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lí quan trọng để thẩm định lại hiệu quả của Dự án theo đúng qui định.

Xem thêm

Kiên Dương