|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhật Bản thay thế Hoa Kỳ trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam

21:20 | 24/05/2017
Chia sẻ
Có sự thay đổi về vị trí đứng đầu trong các nước nhập khẩu, Nhật Bản thay thế Hoa Kỳ trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất, trong khi EU thay thế vị trí cũ của Nhật trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ 3.
nhat ban thay the hoa ky tro thanh nuoc nhap khau tom lon nhat tu viet nam
Nhật Bản thay thế Hoa Kỳ trở thành nước nhập khẩu tôm từ Việt Nam lớn nhất. (Nguồn: Dân Trí)

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong quý I năm nay, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật tăng 29,6% đạt 135,4 triệu USD. Mức tăng trưởng mạnh đã đưa thị trường Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Nguyên nhân có sự tăng trưởng mạnh như trên được lý giải là do đồng Yên tăng đã khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu tôm. Một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng là do người tiêu dùng Nhật Bản hiện chuyển sang lựa chọn các sản phẩm thủy hải sản giá rẻ, khiến nhu cầu tôm tăng lên so với các loại hải sản khác như cá ngừ, cá hồi và mực ống.

Thống kê cũng chỉ ra rằng phân khúc thị trường cao cấp, nhu cầu cho tôm sú và tôm nguyên đầu cũng tăng.

VASEP cho biết, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg, trong khi giá của Indonesia là 11 USD và Thái Lan là 10 USD. Mặc dù giá cao hơn các nước đối thủ nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hẳn so với cả 2 nước còn lại, Thái lan tăng trưởng 13,9%, Indonesia chỉ tăng 2,4%.

Mặt khác, VASEP cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu tôm tới 68 thị trường, 10 thị trường lớn nhất gồm: Nhật, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan, Thụy Điển. Các thị trường này chiếm tới 95,4% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Trong đó, có sự thay đổi về vị trí đứng đầu trong các nước nhập khẩu, Nhật Bản thay thế Hoa Kỳ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất, trong khi EU thay thế vị trí cũ của Nhật trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ 3.

Mặc dù ngành sản xuất tôm Việt Nam có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng lĩnh vực này đối mặt với thách thức về sản xuất quy mô nhỏ và hạn chế về giống tôm. Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở nuôi tôm trên cả nước nhưng rất ít trong số đó đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sinh học. Hơn 90% các giống tôm nuôi chân trắng Việt Nam phải nhập khẩu, trong khi giống tôm lớn (prawns) phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên.

Liên quan tới xuất khẩu tôm sang thị trường Úc, trước đó, ngày 9/2/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc trong đó nêu quan ngại của Việt Nam trước ảnh hưởng tiêu cực của lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm chưa nấu chín của Chính phủ Úc đối với người nuôi tôm, doanh nghiệp xuất khẩu tôm và ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời đề nghị Chính phủ Úc cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu.

Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch, Đầu tư Úc khẳng định việc Úc áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng tôm chưa nấu chín sẽ không được để “kéo dài hơn mức cần thiết”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đang tập trung xử lý vấn đề an toàn sinh học trong thời gian sớm nhất có thể. Phía Úc nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc rà soát lại những biện pháp đánh giá rủi ro để tạo điều kiện cho việc tái khởi động hoạt động thương mại an toàn đối với mặt hàng tôm và sản phẩm tôm chưa nấu chín.

Phương Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.