|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhập siêu đáng mừng hay đáng lo?

15:57 | 04/06/2024
Chia sẻ
Mặc dù, nhập siêu sẽ tăng thêm áp lực tỷ giá nhưng khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Đồng thời, chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới đã giảm xuống kết hợp với những nỗ lực trước đó của NHNN khiến tỷ giá dịu đi đáng kể.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 5, kim ngạch nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh, tới 26% trong khi xuất khẩu giảm 8% so với nửa cuối tháng 4 khiến cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt tới 2,63 tỷ USD.

Đến nửa cuối tháng 5, mặc dù xuất siêu trở lại song mức xuất siêu vẫn thấp hơn đáng kể so với nửa đầu tháng nên theo ước tính của Tổng cục Thống kê, cả tháng 5 nhập siêu 1 tỷ USD. Đây là tháng nhập siêu đầu tiên của Việt Nam sau 23 tháng liên tiếp xuất siêu.

Trong bối cảnh tỷ giá đầu năm nay tăng nóng, việc nhập siêu bùng lại được cho là sẽ gây tác động tiêu cực, làm giảm nguồn USD về Việt Nam nên sẽ không hỗ trợ được cho tỷ giá. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), ngoài tác động tiêu cực đối với tỷ giá nhập siêu lại nên mừng hơn lo.

Nhập siêu nên mừng hơn lo

Tăng trưởng giá trị nhập khẩu tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng. (Nguồn: ACBS tổng hợp từ TCTK, TCHQ).

Việt Nam ghi nhận tháng nhập siêu đầu tiên trong gần hai năm qua với nhập siêu trong riêng tháng 5/2024 đạt hơn 1 tỷ USD. "Đây là tin buồn vì tăng thêm áp lực tỷ giá tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế", các chuyên gia từ ACBS đánh giá.

Nhìn vào cơ cấu nhập khẩu có thể thấy nhập khẩu tư liệu sản xuất đang tăng mạnh còn nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng vẫn giảm. Điều này cho thấy, nhập siêu không đáng ngại bởi nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may.

Việc nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này. Trên thực tế, tăng trưởng nhập khẩu chậm trong năm 2023 đã kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu. Mặc dù thặng dư thương mại có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong năm 2023 nhưng đổi lại nền kinh tế cũng ảm đạm trong năm 2023.

"Vì vậy, nhập siêu ở thời điểm tuy tạo áp lực tỷ giá trong ngắn hạn nhưng lại mở ra tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn hồi phục các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo trong thời gian tới", báo cáo từ ACBS nêu rõ.

Tăng trưởng nhập khẩu của một số ngành trọng điểm. (Nguồn: ACBS tổng hợp từ TCTK, TCHQ).

Chi tiết hơn, số liệu nhập khẩu bật tăng rõ nét bắt đầu từ đầu tháng 4, sau một chuỗi tăng trưởng ảm đạm. Các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các nguyên liệu then chốt cho sản xuất, ví dụ như: Linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dệt may, sắt thép.

Nhập khẩu linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng từ 20-50% trong riêng tháng 5/2024 dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy từ 20-30% xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024. Tăng trưởng mạnh của nguyên vật liệu dệt may đạt 33% trong tháng 5 và hơn 20% trong5 tháng đầu năm báo hiệu đơn hàng dệt may sẽ tăng tốt trong nửa cuối năm 2024.

Tương tự, nhập khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép cũng tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5/2024 với hơn 60% đến từ Trung Quốc. Đây có thể coi là động thái tích trữ hàng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên, đồng thời đối phó với rủi ro về chính sách thuế.

Bình ổn giá vàng hỗ trợ lớn đến tỷ giá

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. (Ảnh: VPBankS).

Mặc dù nhập khẩu có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, song theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ giá sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới nhờ những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Ông Sơn phân tích, động thái bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và SJC vừa qua đã giúp giá vàng giảm mạnh. Đồng thời, mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang có sự thu hẹp.

"Đây là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là giảm áp lực lên tỷ giá khi nhu cầu USD để nhập khẩu vàng giảm xuống", vị này phân tích.

Yếu tố thứ hai hỗ trợ tỷ giá là sự can thiệp của NHNN lên thị trường liên ngân hàng nhằm tăng lãi suất và bán dự trữ ngoại hối trong thời gian qua. Theo ước tính, NHNN đã bán tới 3,7 tỷ USD để bình ổn tỷ giá cho thấy nỗ lực can thiệp của NHNN lên thị trường ngoại hối rất rõ ràng.

Nếu xử lý được vấn đề của thị trường vàng, diễn biến tỷ giá trong nước sẽ có xu hướng ổn định kết hợp với việc đồng USD đã hạ nhiệt thì vấn đề tỷ giá chắc chắn sẽ dịu rất nhiều.

Việc tỷ giá thu hẹp lại đà giảm so với đầu năm là yếu tố rất tích cực đối với các cân đối kinh tế vĩ mô. Hiện nay, tỷ giá VND/USD chỉ còn khoảng 3,6% so với hồi đầu năm trong khi từng có thời điểm VND mất giá đến gần 5%.

Nếu mức độ mất giá của VND thu hẹp lại sẽ tác động rất tích cực đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là yếu tố hỗ trợ ngành sản xuất bởi tỷ giá giảm xuống sẽ khiến doanh nghiệp bớt khó khăn.

Theo báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), nhiều doanh nghiệp cho biết tỷ giá tăng cao khiến giá nguyên vật liệu bị đẩy lên cao. Kết hợp với giá dầu và nhiên liệu tăng vừa gây nhập khẩu lạm phát vừa gây 

Báo cáo phân tích từ S&P Global cho biết tốc độ tăng giá đã nhanh hơn đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022. Chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng, và đây là lần tăng đầu tiên trong ba tháng. Tốc độ tăng giá lần này là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng, ngang với mức được ghi nhận trong tháng 10/2023. 

Hạ An