|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thịt heo tăng mạnh, ngành chăn nuôi lo mất thị phần trong nước

07:00 | 22/08/2024
Chia sẻ
Nhập khẩu thịt heo vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại về sức ép của thịt heo nhập khẩu đối với ngành chăn nuôi nội địa trong tương lai.

Nhập khẩu thịt heo tăng mạnh 

 

Báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhập khẩu thịt heo của Việt Nam có xu hướng tăng trong tháng 5 và 6. Tính chung trong quý II, Việt Nam nhập khẩu 27.000 tấn thịt heo, trị giá hơn 60 triệu USD, tăng gấp đôi về cả lượng lẫn giá trị so với quý I. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tương đương khoảng 2% tổng nguồn cung thịt heo của Việt Nam. 

Năm ngoái, nhập khẩu thịt heo và phụ phẩm từ thịt heo của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh với 235.000 tấn, tăng 28% so với 2022. 

 Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Tổng Cục Hải quan, Cục Chăn nuôi (H.Mĩ tổng hợp)

 

Nhập khẩu thịt heo tăng mạnh khiến những nhà sản xuất trong nước lo ngại về khả năng mất thị phần trong tương lai. 

Tại hội nghị về chăn nuôi heo bền vững diễn ra tuần trước, ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi lo rằng mặc dù tỷ trọng thịt heo nhập khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ trong chăn nuôi heo của Việt Nam, nhưng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu như hiện tại, sức ép đối với ngành chăn nuôi ngày một lớn. 

“Thời kỳ tôi còn đương chức, nhập khẩu thịt heo chỉ khoảng 5.000 tấn/năm. Nhưng bây giờ nhập khẩu rất nhiều, hầu hết ở mức tăng trưởng hai con số. Trong khi đó, sản lượng trong nước chỉ tăng 2-3%. Do đó, áp lực sản xuất trong nước tăng lên”, ông Dương nói.

Theo ông, nếu ngành chăn nuôi và các ban ngành liên quan không có biện pháp, nguy cơ Việt Nam trở thành nước nhập khẩu heo là hiện hữu. 

“Nếu không cẩn trọng, một vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu thịt heo. Bởi năm 2027, thuế nhập khẩu thịt heo sẽ giảm từ 15% xuống còn 0%. Chưa kể lượng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn”, ông nói. 

 Ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại hội nghị chăn nuôi heo bền vững (Ảnh: H.Mĩ)

 

Thịt nhập khẩu cũng đang là mối lo của doanh nghiệp lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco cho biết hiện tại các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đang đẩy mạnh tăng đàn nhằm tận dụng giá heo hơi thuận lợi.

Điều này có thể dẫn đến áp lực nguồn cung tăng lên đối với giá trong những tháng cuối năm. Do đó, ông Tuế kiến nghị việc hạn chế nhập khẩu thịt để giảm tình trạng nguồn cung càng tăng lên. 

“Trong nước đã sản xuất được, thì Nhà nước nên có hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu. Nhà nước chỉ nên cho phép nhập khẩu chính phẩm còn phụ phẩm thì không được phép nhập. Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu những sản phẩm có hạn sử dụng dài, tránh nhập khẩu sản phẩm có hạn sử dụng còn ngắn giá rẻ, gây áp lực lên giá trong nước”, ông Tuế nói. 

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, năm ngoái lượng phụ phẩm nhập khẩu tăng mạnh 176% so với năm 2022 lên 122.450 tấn. Trong khi đó thịt heo chính phẩm nhập khẩu ở mức thấp hơn, khoảng 112.600 tấn. 

 Nguồn:Tổng Cục Hải quan, Cục Chăn nuôi (H.Mĩ tổng hợp)

 

Phó Tổng Giám đốc Dabaco còn lo lắng trong tương lai khi thuế nhập khẩu thịt heo giảm xuống, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước tăng lên. 

“Đây là quy luật của thị trường. Khi thịt giá rẻ của thể giới xâm nhập vào thị trường, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải tái cơ cấu để nâng cao năng suất và chất lượng để hạ giá thành nuôi. Hiện chúng tôi đã xây dựng hệ thống giống tốt với những con giống hạt nhân quy mô lớn, năng suất tương đương với những nước trên thế giới. Những con giống này nhằm cung cấp cho các trang trại nội bộ và các hộ nuôi liên kết. ”, ông Tuế chia sẻ. 

Bài toán giảm chi phí chăn nuôi để cạnh tranh với heo nhập khẩu

Để cạnh tranh với thịt heo nhập khẩu trong tương lai và tránh viễn cảnh Việt Nam trở thành nước nhập khẩu, ngành chăn nuôi cần giảm chi phí. Tuy nhiên, hiện nay bài toán về chi phí nuôi vẫn đang là vấn đề nan giải.

Tại Việt Nam, chi phí chăn nuôi vẫn còn cao so với thế giới do nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Theo Cục Chăn nuôi, nước ta hiện vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu. 

Ngoài thức ăn chăn nuôi, Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào nguồn con giống chất lượng nhập khẩu. những năm gần đây việc nhập khẩu giống vật nuôi có chiều hướng giảm, nhưng chưa nhiều. 

Một số giống có năng suất, chất lượng bằng và cao hơn mức trung bình của thế giới, như Landrace, Yorkshire, Duroc có năng suất cao (chủ yếu là cấp giống cụ kỵ) được nhập vào Việt Nam hàng năm để làm mới nguồn gen di truyền đàn nái ngoại trong nước, nâng cao năng suất, chất lượng con giống.

Cũng giống như nhiều nước, Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn giống cụ kỵ, ông bà của các tập đoàn giống heo đa quốc gia để sản xuất cấp giống bố mẹ để sản xuất. Hiện chưa có giống heo ngoại nào do nước ta chọn tạo cạnh tranh được với các giống nhập ngoại.

“Thị trường rất mở, nếu sản phẩm trong nước không cạnh tranh được về cả, chất lượng thì chắc chắn thịt heo nhập khẩu sẽ tràn vào. Thậm chí, giá heo hơi nhiều nước còn thấp hơn so với giá thịt đã xẻ và phân loại của Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trao đổi với chúng tôi. 

Ông nhận định mặc dù thịt heo nhập khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nếu không ngành chăn nuôi không cải thiện, trở nên bài bản hơn sẽ có thể đánh mất thị phần trong nước. Giải pháp trước mắt là tăng hiệu quả chăn nuôi bằng cách tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị chăn nuôi heo bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian tới, ngành chăn nuôi đẩy mạnh tận dụng một phần ngô đậu, đậu tương,…để làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là ngô sinh khối.

“Ngô của Việt Nam chất lượng rất tốt nhưng năng suất còn hạn chế. Năng suất 6 -7 tấn/ha thấp hơn so với quốc tế là 12 tấn/ha. Diện tích những năm trước đây đạt trên 900.000 ha nhưng hiện chỉ còn 600.000 ha. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với De Heus trồng thí điểm ngô chất lượng cao ở Tây Nguyên, nhằm cải thiện năng suất nguyên liệu này”, ông Tiến nói. 

H.Mĩ