|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhận vốn từ VinaCapital, Nhựa Ngọc Nghĩa viết tiếp giấc mơ thực phẩm?

10:04 | 09/11/2019
Chia sẻ
Thương vụ thoái vốn khỏi Thực phẩm Hồng Phú trong năm 2018 từng được xem là dấu chấm hết cho tham vọng ngành thực phẩm của Ngọc Nghĩa. Tuy nhiên, những người điều hành Công ty dường như vẫn chưa nguôi giấc mơ này.

Ngày 6/11 vừa qua, Hội đồng Quản trị CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (Mã: NNG) đã thông qua chủ trương hợp tác với Công ty TNHH MTV Thương mại Corola để kinh doanh các thực phẩm cao cấp như đồ uống, bánh kẹo, các loại thủy hải sản, thực phẩm đóng hộp,…

Các sản phẩm này sẽ được nhập khẩu từ những quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu,… và được phân phối lại thông qua hệ thống của Corola tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào những đô thị lớn.

Ngày 26/9 vừa qua, Corola đã đăng kí thay đổi thông tin về chủ doanh nghiệp từ bà Bùi Bích Hồng sang ông Trần Quang Hải, sinh năm 1990.

Corola là doanh nghiệp thành lập ngày 26/9/2018, với ngành nghề chính là bán lẻ lương thực, thực phẩm và đồ uống.

Đáng chú ý, Tổng Giám đốc Ngọc Nghĩa, ông La Văn Hoàng cũng đang là Tổng Giám đốc của Corola và vợ là bà Bùi Bích Hồng cũng từng là chủ của doanh nghiệp này.

Về phần Ngọc Nghĩa, thành lập năm 1993, được biết đến là doanh nghiệp có năng lực sản xuất bao bì hàng đầu Việt Nam với công suất hàng năm khoảng 3,7 tỉ khuôn, chai PET và nắp nhựa,...

Trong mảng bao bì PET nội địa, Ngọc Nghĩa đứng đầu về thị phần. Ngọc Nghĩa cũng từng tham vọng dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm để gia tăng giá trị, tuy nhiên  giấc mộng này đến nay vẫn đang dang dở.

Năm 2009, Ngọc Nghĩa thành lập công ty sản xuất bánh kẹo Thực phẩm Đông Á, tiến vào mảng sản xuất nước chấm với Thực phẩm Hồng Phú, đơn vị sở hữu 2 thương hiệu nước chấm Kabin, Thái Long, và sau này là mảng thịt với Thịt ngon Quốc tế và Thịt ngon Quốc tế La Maison.

Thế nhưng, những khoản thua lỗ kéo dài trong lĩnh vực thực phẩm đã khiến Ngọc Nghĩa phải rời khỏi ngành này.

Trong năm 2018, Ngọc Nghĩa ghi nhận 697 tỉ đồng từ việc thoái vốn Hồng Phú và đồng thời cũng trích lập 412 tỉ đồng dự phòng đối với các khoản tài trợ trước đây dành cho mảng thực phẩm.

Thương vụ thoái vốn Thực phẩm Hồng Phú trong năm 2018, sau gần 10 năm hao tiền tốn của, từng được xem là dấu chấm hết cho tham vọng trong ngành thực phẩm của Ngọc Nghĩa.

Ngọc Nghĩa từng cho biết trong tương lai sẽ chỉ tập trung vào ngành bao bì PET với các công ty con trong chuỗi khép kín sản phẩm phôi - chai - nắp. Theo kế hoạch tại báo cáo thường niên công bố đầu năm 2019, gần 500 tỉ đồng sẽ được Công ty đầu tư vào mảng này trong năm nay.

Tuy nhiên, Ngọc Nghĩa dường như vẫn chưa nguôi tham vọng trong ngành thực phẩm. Theo thông tin vừa công bố, cái bắt tay hợp tác mới cùng Corola dự kiến sẽ kéo dài 5 năm kể từ ngày kí hợp đồng.

Phía Ngọc Nghĩa sẽ rót vốn 103 tỉ đồng, trong khi Corola đóng góp bằng hệ thống phân phối và trực tiếp quản lí nguồn vốn, điều hành việc nhập khẩu, phân phối và kinh doanh hàng hóa.

Lợi nhuận từ việc hợp tác sẽ được chia 55:45 với phần hơn nghiêng về Ngọc Nghĩa. Tuy nhiên, tỉ lệ này có thể thay đối theo từng giai đoạn kinh doanh theo thỏa thuận giữa hai bên.

Có thể nhận thấy, bước đi của Ngọc Nghĩa trở lại ngành thực phẩm lần này với vị thế hoàn toàn mới mà theo đánh giá của giới kinh doanh gọi là chiến lược "mượn lực". 

Thay vì đầu tư ngay từ đầu cho các hoạt động nghiên cứu sản phẩm, làm thương hiệu, phát triển thị trường rất tốn kém và rủi ro cao, doanh nghiệp chọn cách hợp tác, phân phối các thương hiệu đã có tên tuổi nhằm đẩy nhanh thâm nhập thị trường trước khi phát triển các thương hiệu riêng.

Đầu tháng 11/2019, Ngọc Nghĩa đã được cổ đông chấp thuận, thông qua văn bản, về việc phát hành riêng lẻ hơn 29,3 triệu cp với tổng số tiền dự kiến thu được là 500 tỉ đồng.

Một điểm cần lưu ý là trong văn bản xin ý kiến cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh mà theo Ngọc Nghĩa là "giảm bớt các ngành, nghề không còn hoạt động" thì những mục liên quan đến mảng thực phẩm vẫn được giữ lại.

Đáng chú ý, tháng 10 vừa qua, quĩ đầu tư VinaCapital cho biết họ dẫn đầu một nhóm tổ chức đầu tư 21,4 triệu USD (gần 500 tỉ đồng) vào Ngọc Nghĩa.

Trong đó, riêng phần của VinaCapital là 17 triệu USD, rót vốn thông qua quĩ con là Vietnam Opportunity Fund (VOF).

Đại diện phía VinaCapital cho biết sẽ tham gia vào 2 ghế thành viên trong Hội đồng Quản trị Ngọc Nghĩa.

Hiện không rõ VinaCapital có đóng vai trò gì trong bước đi mới vào ngành thực phẩm của Ngọc Nghĩa hay không. Trả lời truyền thông trước đây, phía VinaCapital chỉ mới bày tỏ về tiềm năng của ngành bao bì PET, mà Ngọc Nghĩa vốn đã là một doanh nghiệp có vị thế lớn trong ngành.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NNG cũng cho thấy những diễn biến đáng chú ý, khi tăng phi mã trong 2 tháng qua. Tính đến kết phiên 11/8, NNG chốt giá 12.000 đồng/cp, gấp đôi so với mức giá đầu tháng 9 năm nay.

NNG anh co phieu

(Ảnh: FireAnt)

Thừa Vân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.