|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhân viên ngân hàng nào tạo ra nhiều lợi nhuận nhất năm 2018?

07:57 | 28/02/2019
Chia sẻ
Techcombank và Vietcombank đang bỏ xa các ngân hàng khác về khả năng tạo lợi nhuận của nhân viên. Với sự gia tăng tỉ trọng của các nguồn thu ngoài lãi, dự kiến khả năng 'kiếm tiền' của nhân sự ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.
nhan vien ngan hang nao tao ra nhieu loi nhuan nhat nam 2018 Có thêm ít nhất 17.000 nhân viên ngân hàng mới trong năm 2018
nhan vien ngan hang nao tao ra nhieu loi nhuan nhat nam 2018 Nhân sự ngân hàng 'trong sợ ngoài thèm'
nhan vien ngan hang nao tao ra nhieu loi nhuan nhat nam 2018
Ảnh minh họa

Nhân viên Techcombank 'kiếm tiền' giỏi nhất

Theo số liệu của 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2018, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng tạo ra hơn 336 triệu đồng lợi nhuận sau thuế trong năm, tăng 62 triệu đồng so với năm 2017 (tương ứng tăng 23%).

Trong 22 ngân hàng được khảo sát có 15 ngân hàng ghi nhận sự tăng lên về khả năng tạo lợi nhuận của nhân viên và 7 nhà băng có sự sụt giảm so với năm 2017.

Trong đó, nhân viên Techcombank tiếp tục đứng đầu về khả năng "kiếm tiền". Cụ thể năm 2018, bình quân hàng tháng, mỗi nhân viên mang về khoảng 76 triệu đồng lợi nhuận thuần. Con số này cao hơn 4% so với “ông lớn” Vietcombank (73 triệu đồng) và gấp gần 2 lần ngân hàng xếp thứ ba là ACB (40 triệu đồng).

nhan vien ngan hang nao tao ra nhieu loi nhuan nhat nam 2018
Lợi nhuận sau thuế/nhân viên/tháng năm 2018 ( đơn vị: triệu đồng)

Xếp các vị trí tiếp theo về khả năng tạo lợi nhuận của nhân viên lần lượt thuộc về MBBank với 36,4 triệu đồng/tháng, VIB (35,2 triệu đồng/tháng) và BacABank (31 triệu đồng/tháng).

Ba ngân hàng xếp có năng suất của nhân viên thấp nhất gồm Sacombank, mang về 8 triệu đồng mỗi tháng; nhân viên Kienlongbank với 7,2 triệu đồng và nhân viên Saigonbank với chỉ 2,4 triệu đồng.

Nhân viên các ngân hàng MSB, PG Bank, ACB tăng tốc

Xét về con số tương đối, Maritime Bank đang là nhà băng có sự tăng trưởng nhanh nhất khi trong năm 2018 bình quân mỗi tháng một nhân viên ngân hàng này tạo ra gần 17,2 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 6 lần năm 2017.

Đáng chú ý, đứng thứ hai về tốc độ tăng của hiệu suất làm việc của nhân viên là PGBank. Theo đó, trong năm 2018, bình quân mỗi nhân viên nhà băng này kiếm về hơn 103 triệu đồng (tương đương 8,6 triệu đồng/tháng), gấp 2,5 lần năm trước.

ACB đứng thứ ba về tốc độ tăng hiệu suất nhân viên trong năm 2018. Theo đó, trong năm qua, trung bình mỗi tháng mỗi nhân sự của ACB tạo ra hơn 40 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,3 lần năm 2017.

Ngân hàng Lợi nhuận sau thuế/nhân viên/tháng năm 2018 (triệu đồng)

Lợi nhuận sau thuế/nhân viên/tháng

năm 2017 (triệu đồng)

Thay đổi (%)
Techcombank 76,0 58,7 29%
Vietcombank 73,1 47,7 53%
ACB 40,1 17,5 129%
MBBank 36,4 24,5 49%
VIB 35,2 20,4 73%
BacABank 31,0 32,2 -4%
TPBank 30,6 18,3 67%
BIDV 25,0 23,2 8%
OCB 24,0 16,8 43%
VPBank 23,9 26,1 -8%
SHB 20,2 20,3 -1%
HDBank 19,0 13,1 45%
VietinBank 18,9 26,6 -29%
MaritimeBank 17,2 2,7 535%
ABBank 16,4 12,7 30%
VietBank 14,5 12,3 17%
LienVietPostBank 10,3 18,2 -43%
Eximbank 9,0 11,4 -21%
PGBank 8,6 3,5 145%
Sacombank 8,0 5,5 44%
KienLongBank 7,2 6,7 7%
SaigonBank 2,4 3,1 -22%
Bình quân 28,0 22,8 23%

Nhân viên ngân hàng sẽ ngày càng làm ra nhiều tiền hơn?

Theo thống kê của người viết, mức tăng lợi nhuận bình quân mỗi nhân viên tại nhóm ngân hàng khảo sát đạt 23% trong khi số lượng nhân viên của các ngân hàng này chỉ tăng 8,3%. Sự chênh lệch này một phần thể hiện sự cải thiện về chất lượng nhân sự và năng suất nhân viên ngân hàng.

Với nhiều dịch vụ, ngân hàng có thể tận dụng hệ thống hiện có hoặc máy móc công nghệ để mở rộng, tăng trưởng mà không cần có thêm nhiều nhân lực. Do đó, tại những ngân hàng có tỉ trọng đóng góp của các khoản thu này lớn sẽ tác động tích cực tới hiệu suất hoạt động của nhân viên.

Năm 2018, tỉ trọng các khoản thu ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động của Techcombank chiếm khoảng 40% và Vietcombank là khoảng 30%, cao hơn nhiều so với mức bình quân ngành khoảng 25%. Đặc biệt tại Techcombank có tới 13% thu nhập của ngân hàng đến từ hoạt động dịch vụ.

Thống kê từ báo cáo tài chính năm 2018, có tới 3/4 số ngân hàng được khảo sát ghi nhận sự tăng trưởng thu nhập thuần về dịch vụ trong năm 2018. Điển hình như MBBank, trong năm qua, lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ đạt mức kỉ lục gần 2.564 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2017 và gấp gần 4 lần năm 2016.

Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ TPBank trong năm 2018 đạt 676 tỉ đồng, gấp 4 lần năm 2017 và gấp 8 lần năm 2016…

Mặt khác, hiện tại xu hướng dịch chuyển nguồn thu từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động các (dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh chứng khoán,...), đặc biệt các ngân hàng đang rất chú trọng việc đẩy mạnh mảng dịch vụ với rủi ro thấp và biên lợi nhuận lớn. Đây là yếu tố giúp thúc đẩy năng suất lao động của nhân viên tăng trưởng ổn định hơn.

Bên cạnh đó, con số lợi nhuận sau thuế cũng đã tính đến cả ảnh hưởng do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Vì vậy, tại nhiều ngân hàng, khả năng tạo lợi nhuận của các nhân sự đã bị chi phối rất nhiều bởi tình trạng nợ xấu.

Đơn cử như trường hợp VPBank. trong năm 2018, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này nhiều gấp đôi Techcombank nhưng chi phí dự phòng rủi ro của VPBank cũng cao gấp 6 lần và ngốn mất gần một nửa lợi nhuận thuần. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VPBank vẫn thấp hơn Techcombank trong bối cảnh qui mô các khoản thu nhập đều vượt trội

Trong nhóm ngân hàng có tăng trưởng (%) cao nhất về lợi nhuận mỗi nhân viên mang về, tỉ trọng thu nhập ngoài lãi năm 2018 của MSB đã tăng mạnh, chiếm 50% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng, từ mức 40% của năm 2017. Đồng thời, trích lập dự phòng của nhà băng này cũng giảm 30% so với năm trước.

Còn tại ACB, mặc dù cơ cấu các khoản thu không có nhiều thay đổi nhưng trích lập dự phòng của nhà băng này đã giảm mạnh gần 1.400 tỉ đồng so với năm 2017. Và đây cũng là nguyên nhân quan trong giúp lợi nhuận ACB tăng trưởng mạnh trong năm 2018.

Xem thêm

Quang Diệu

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.