Có thêm ít nhất 17.000 nhân viên ngân hàng mới trong năm 2018
Nhân sự ngân hàng 'trong sợ ngoài thèm' | |
Soi thu nhập và khả năng 'kiếm tiền' của nhân viên ngân hàng 9 tháng đầu năm |
Nguồn: Nam A Bank. |
Các ngân hàng tăng thêm gần 17 nghìn nhân viên trong năm 2018
Theo số liệu của 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2018, tổng số nhân viên tính đến ngày 31/12/2018 đạt 221.028 người, tăng 16.936 người so với cuối năm 2017 (tương ứng tăng 8,3%). Trong đó, riêng quí IV/2018, số lượng nhân sự của các ngân hàng trên đã tăng thêm 6.135 người, tương đương 2,85%.
VPBank tiếp tục là ngân hàng có lượng nhân sự lớn nhất với gần 27.430 người. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank giữ vị trí quán quân về qui mô nhân sự. Tuy nhiên, trong số hơn 27 nghìn nhân viên của VPBank chỉ có khoảng 11.500 nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ, còn lại tập trung chủ yếu tại công ty tài chính FE Credit và các công ty con.
Sau VPBank, BIDV là ngân hàng có số lượng nhân sự lớn thứ hai với gần 25.420 người. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về VietinBank với gần 24.197 người; Sacombank (18.818 người); Vietcombank (17.216 người), MBBank (15.233 người), HDBank (14.340 người); ACB (11.008 người), Techcombank (9.210 người); LienVietPostBank (8.117 người).
Số lượng nhân sự của các ngân hàng tính đến ngày 31/12/2018 (Nguồn: QT tổng hợp) |
Đáng chú ý, 10 ngân hàng đứng đầu này hiện chiếm tới hơn 77% tổng số lượng nhân sự của các ngân hàng được thống kê.
Tính đến thời điểm 31/12/2018, Saigonbank là ngân hàng có số lượng nhân viên ít nhất trong nhóm 22 ngân hàng với 1.429 người, chỉ bằng 5% số lượng nhân sự của VPBank.
Cùng với Saigonbank, PGBank và VietBank cũng là hai ngân hàng có số lượng nhân sự dưới 2.000 người.
Ngân hàng | Số lượng nhân sự (người) | Thay đổi | ||
31/12/2018 | 31/12/2017 | (người) | (%) | |
VPBank | 27.429 | 23.826 | 3.603 | 15,1% |
BIDV | 25.416 | 24.888 | 528 | 2,1% |
VietinBank | 24.197 | 23.784 | 413 | 1,7% |
Sacombank | 18.818 | 18.535 | 283 | 1,5% |
Vietcombank | 17.216 | 16.227 | 989 | 6,1% |
MBBank | 15.233 | 13.094 | 2.139 | 16,3% |
HDBank | 14.340 | 13.728 | 612 | 4,5% |
ACB | 11.008 | 10.334 | 674 | 6,5% |
Techcombank | 9.210 | 8.328 | 882 | 10,6% |
LienVietPostBank | 8.117 | 7.380 | 737 | 10,0% |
SHB | 7.546 | 6.210 | 1.336 | 21,5% |
OCB | 7.408 | 4.848 | 2.560 | 52,8% |
Eximbank | 6.136 | 6.094 | 42 | 0,7% |
VIB | 5.372 | 5.005 | 367 | 7,3% |
TPBank | 4.985 | 4.848 | 137 | 2,8% |
MaritimeBank | 4.524 | 4.041 | 483 | 12,0% |
ABBank | 4.175 | 3.873 | 302 | 7,8% |
KienLongBank | 2.964 | 2.582 | 382 | 14,8% |
BacABank | 2.042 | 1.616 | 426 | 26,4% |
VietBank | 1.917 | 1.771 | 146 | 8,2% |
PGBank | 1.546 | 1.620 | -74 | -4,6% |
SaigonBank | 1.429 | 1.460 | -31 | -2,1% |
Tổng | 221.028 | 204.092 | 16.936 | 8,3% |
Số lượng nhân sự của các ngân hàng (Nguồn: QT tổng hợp)
Lượng nhân viên tại OCB tăng gấp rưỡi sau một năm
Mặc dù VPBank và các “ông lớn” luôn nắm giữ các vị trí đứng đầu về qui mô nhân sự nhưng xét về tốc độ tăng thì các ngân hàng nhỏ đang tỏ ra vượt trội hơn.
Cụ thể, trong năm 2018, với 2.560 người tăng thêm, số lượng nhân viên của Ngân hàng Phương Đông (OCB) gấp hơn 1,5 lần cuối năm 2017 và đồng thời là ngân hàng có tốc độ tăng nhân sự cao nhất trong danh sách khảo sát
Đứng sau OCB về tốc độ tăng nhân sự là BacABank. Trong năm qua, số lượng nhân sự của ngân hàng này tăng trưởng 26% đạt hơn 2.040 người. Tiếp theo là SHB, số lương nhân viên của ngân hàng này tăng thêm 22% lên gần 7.550 người.
Trong 22 ngân hàng được khảo sát chỉ có 2 ngân hàng ghi nhận sụt giảm về số lượng nhân viên trong năm 2018 là PG Bank (giảm 74 người) và SaigonBank (giảm 31 người).
Đáng chú ý, mặc dù bỏ xa ngân hàng đứng thứ hai là BIDV nhưng VPBank vẫn tích cực gia tăng qui mô nhân sự. Theo đó, năm 2018, số lượng nhân viên của VPBank tăng thêm 3.600 người, tương ứng tăng 15% so với cuối năm trước và là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng nhân sự nhanh nhất hệ thống.
Trong khi Saigonbank đang có biến động lớn về bộ máy lãnh đạo cấp cao thì đối với PG Bank việc nhân sự sụt giảm trong thời gian qua là điều dễ khi ngân hàng này chuẩn bị tiến hành sáp nhập vào HDBank.
Theo đề án sáp nhập đã được hai bên thông qua trước đó, toàn bộ nhân sự cấp cao của PG Bank sẽ tự miễn nhiệm tại ngày bàn giao sáp nhập. Và thực tế, trong thời gian qua một số nhân sự cấp cao đồng loạt xin từ chức, PG Bank cũng không có quyết định bổ sung nhân sự cho các vị trí trên.
Xét về tổng thể, nhân sự ngành ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2018.
Lợi nhuận PG Bank bất ngờ 'lao dốc' trước thềm sáp nhập với HDBank |
Ngân hàng vẫn "khát" nhân sự
Kết quả cuộc điều tra do Vụ Dự báo và Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành vào tháng 11/2018 cho thấy, có tới 76,74% TCTD dự kiến sẽ tăng thêm nhân sự trong năm 2019; 18,61% TCTD dự kiến giữ nguyên lao động trong khi chỉ có 4,65% TCTD dự kiến cắt giảm lực lượng lao động. Như vậy, đa số TCTD vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự thời gian tới.
Lướt qua website của các ngân hàng, mới ra Tết nhưng SCB, VIB, LienVietPostBank,… đều đăng tin tuyển dụng nhân sự cho nhiều vị trí khác nhau. Chưa kể một số lượng không nhỏ các thông báo tuyển dụng nội bộ tại các chi nhánh, phòng giao dịch được đăng tải trên các diễn đàn dành cho nhân viên ngành ngân hàng.
Thông tin tuyển dụng tại một diễn đàn (Nguồn: Internet) |
Với xu hướng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và tăng cường ảnh hưởng tại khu vực nông thôn nhiều ngân hàng mạnh tay mở rộng mạng lưới kinh doanh, nhu cầu nhân sự vì thế mà cũng tăng theo tương ứng.
Đơn cử trong năm 2018, LienVietPostBank tăng thêm 161 điểm giao dịch trên toàn quốc; trong khi HDBank mở thêm 5 chi nhánh và 40 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 285 điểm. Mới nhất, NHNN cho phép Ngân hàng Bắc Á mở thêm 4 chi nhánh và 7 phòng giao dịch…
Không chỉ có nhu cầu tuyển dụng để phục vụ quá trình mở rộng kinh doanh, nhiều ngân hàng tăng tuyển dụng nhằm bù đắp lượng nhân viên nghỉ việc. Điển hình như Sacombank, mỗi đợt tuyển dụng thực tập viên tiềm năng hàng năm tuyển mới khoảng 1.000 người, tuy nhiên trong năm 2018 số lượng nhân sự của ngân hàng chỉ tăng thêm 283 người.
Nguyên nhân dẫn đến các nhân viên ngân hàng bỏ việc ngoài áp lực công việc và rủi ro nghề nghiệp thì có khá nhiều nhân viên ngân hàng đã chuyển sang nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, bảo hiểm với thu nhập cạnh tranh hơn.