|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, 2 cán bộ hải quan Cát Lái hầu tòa

22:24 | 08/10/2019
Chia sẻ
Chiều 8-10, Viện KSND TP.HCM đã đề nghị mức án đối với 4 bị cáo trong nhóm buôn lậu hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam và 2 công chức hải quan cảng Cát Lái đã tiếp tay cho nhóm này buôn lậu.
 - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trần Minh Luận từ 19 - 20 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Hà từ 14 - 16 năm tù, Nguyễn Văn Khiêm từ 13 - 15 năm tù về hai tội buôn lậu và đưa hối lộ, phạt Nguyễn Thành Cường Tín từ 9 - 10 năm tù về tội buôn lậu.

VKS đề nghị phạt hai cán bộ hải quan là Nguyên Hoàng Sơn từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội nhận hối lộ, phạt Trần Văn Hùng từ 3 - 4 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, tháng 3-2013, Trần Minh Luận thành lập Công ty TNHH giao nhận ABC Việt Nam, kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.

Luận giao cho Nguyễn Thị Ngọc Hà làm thủ tục thành lập công ty và giữ chức vụ kế toán, thuê Nguyễn Trung Kiệt - con trai của Nguyễn Văn Khiêm, lái xe cho Luận - đứng tên giám đốc.

Tháng 3-2015, Luận chỉ đạo Hà và Khiêm làm thủ tục thành lập Công ty TNHH DCL kinh doanh đa ngành, trong đó có giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, thuê Huỳnh Kim Dũng - em vợ Khiêm - làm giám đốc và Khiêm là thành viên góp vốn, để Hà mạo danh Dũng ký các giấy tờ pháp lý của công ty. Thực chất, mọi hoạt động của 2 công ty này đều do Luận chỉ đạo, điều hành.

Tháng 8-2014, Nguyễn Cường Thành Tín thành lập và đứng tên giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Jos Tín Nguyễn. Sau đó, Tín làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu, để Huỳnh Kim Dũng là người đại diện pháp luật của công ty nhưng thực chất Tín vẫn là chủ sở hữu, điều hành hoạt động, ký mạo danh Dũng trên các giấy tờ pháp lý.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Luận, Hà, Khiêm và Tín quen biết nhau, được các đối tượng bên ngoài thuê sử dụng pháp nhân các công ty ABC, DCL, Jos Tín Nguyễn, Công ty Khải Lợi, Công ty Cao Dương, Nam Hà Sơn để nhập khẩu hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng (là mặt hàng cấm nhập khẩu) từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ, giá thuê 1 triệu đồng/container.

Đồng thời nhóm của Luận còn được hưởng tiền dịch vụ khi làm thủ tục hải quan hàng hóa nhập khẩu.

Từ ngày 29-4-2014 đến ngày 27-5-2015, Luận, Hà, Khiêm đã nhập khẩu trái phép hàng hóa từ nước ngoài về tiêu thụ, giá trị hàng phạm pháp là 9,5 tỉ đồng. Từ tháng 7-2015 đến tháng 9-2015, Luận, Hà, Khiêm, Tín đã buôn lậu 18 container hàng hóa về Việt Nam, giá trị hàng hóa phạm pháp hàng chục tỉ đồng.

Tương tự, năm 2010, Luận thành lập Công ty Bảo Trí để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam tiêu thụ.

Năm 2013, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) có văn bản yêu cầu khi nhập thực phẩm dinh dưỡng Ensure trên nhãn có nội dung "Không được bán tại Việt Nam và Mexico" thì phải liên hệ với Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để giải quyết. Trung tâm 3 chỉ cấp giấy xác nhận chất lượng cho lô hàng khi có ý kiến chỉ đạo của đơn vị trên.

Mặc dù không được cấp xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nhưng Luận vẫn chỉ đạo Hà, Khiêm nhập hàng hóa trên.

Sau đó, nhóm này sử dụng giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đã cấp cho Công ty Bảo Trí từ năm 2013 cho sản phẩm dinh dưỡng cùng loại nhưng khác nhau về nhãn hàng hóa để qua mặt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi lấy mẫu kiểm tra Trung tâm 3 xác định lô hàng trên không đúng với giấy xác nhận.

Tháng 6-2014, Luận đến Trung tâm 3 gặp Trần Thị Hà Chi - trưởng phòng nghiệp vụ 3 - để nhờ Chi giúp đỡ cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu cần nhập khẩu. Chi đã chỉ đạo cấp dưới soạn văn bản cho chồng là Hoàng Lâm - giám đốc Trung tâm 3 - ký giấy xác nhận cho lô hàng của Luận.

Trong quá trình kiểm soát hải quan đối với hàng hóa của Công ty Bảo Trí, Chi cục hải quan Cát Lái đã phân công Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Văn Hùng thực hiện nhiệm vụ.

Vào các ngày 6-5-2014 và 4-6-2014, Luận chỉ đạo Hà, Khiêm đưa cho Sơn 180 triệu, trong đó 90 triệu đưa vào ngày 4-6 để Sơn tạo điều kiện thông quan hai lô hàng của Công ty Bảo Trí.

Sau khi nhận tiền của Khiêm, Sơn trao đổi với Hùng thì được Hùng đồng ý để Sơn xác nhận thông quan trái quy định. Giá trị hàng hóa phạm pháp là 862 triệu đồng.

Đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho nguyên giám đốc Trung tâm 3

Trong vụ án, ông Hoàng Lâm bị khởi tố do có hành vi ký cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đến thời điểm truy tố, theo nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì sản phẩm Ensure thuộc nhóm tự công bố, Cục An toàn thực phẩm không cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm như trước khi có nghị định số 15.

Việc áp dụng phương thức kiểm tra do cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu thực hiện.

Do đó, hành vi của ông Lâm không còn nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, động cơ phạm tội không vụ lợi vật chất, hậu quả của tội phạm không lớn, nhân thân tốt... Ngày 30-7-2019, Viện KSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Lâm.

Tuyết Mai

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.