Nhận định thị trường chứng khoán 13/2: Có thể điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự 938-942 điểm
Kết thúc phiên giao dịch 12/2, VN-Index và HNX-Index tăng +11,44 và +0,80 điểm, tương đương +1,24% và +0,76%, đóng cửa ở mức 937,54 và 106,84 điểm.
Các mã có ảnh hưởng tích cực đến mức tăng của VN-Index là VIC (+3,49), SAB (+0,60), MSN (+0,51). Ở chiều ngược lại, BVH (-0,06), PPC (-0,03) và FPT (-0,03) là 3 mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số này.
Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn HOSE và HNX đạt 4,64 nghìn tỉ đồng, khối lượng giao dịch đạt 224.420.338 cổ phiếu. Khối ngoại mua ròng 102,46 tỉ đồng trên sàn HOSE và 7,73 tỉ đồng trên sàn HNX.
Diễn biến thị trường chứng khoán phiên 12/2 (Nguồn: VNDirect). |
Dòng tiền có dấu hiệu trở lại thị trường mới nổi
Từ đầu năm đến nay, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay lại thị trường mới nổi. Điều này được thể hiện rõ qua việc chỉ số Bloomberg Emerging Market Capital Fund Flow Proxy Index tăng từ mức 131,285 vào ngày 2/1 lên mức 141,523 vào ngày 8/2.
Việc chỉ số này tăng điểm thể hiện dòng vốn đang chảy vào thị trường mới nổi. Điều này đã giúp cho chỉ số MSCI Emerging Markets tăng từ 955,78 lên 1036,03 điểm vào 8/2. Mặc dù điều này phản ánh mối quan tâm của nhà đầu tư đã phần nào quay lại thị trường mới nổi sau một thời gian dài thị trường giảm điểm và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, niềm tin của họ vào những thị trường tiềm tàng rủi ro này vẫn chưa hoàn toàn vẫn vàng.
Trước đó, chỉ số Bloomberg Emerging Market Capital Fund Flow Index đã đạt đến 143,881 vào ngày 5/2. Tuy nhiên sự giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ kèm theo những phát biểu của tổng thống Donald Trump liên quan đến việc điều hành nước Mỹ và chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã phần nào tạo nên tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư dẫn đến việc chỉ số này giảm về mức 141,523 vào ngày 8/2 phản ánh việc dòng tiền đi ra phần nào khỏi thị trường mới nổi. Hệ quả là chỉ số MSCI Emerging Markets Index giảm từ 1051,90 vào ngày 5/2 xuống mức 1036,03 vào ngày 8/2.
Có phiên điều chỉnh giảm
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Trong phiên kế tiếp, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có phiên điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự 938-942 điểm. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường dự kiến sẽ bắt đầu có sự phân hóa theo từng dòng cổ phiếu.
Các cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ tăng chậm lại hoặc bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy để giữ nhịp cho thị trường.
Dòng tiền dự báo có thể sẽ luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang tích lũy để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn…
Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng đối với các vị thế ngắn hạn. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn này có thể nâng lên mức tối đa 50-60% cổ phiếu.
Có thể tiếp tục tăng điểm với dư địa ít hơn
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Trong phiên giao dịch tiếp theo 13/2, VN-Index có tiếp tục tăng điểm nhưng với dư địa tăng ít hơn, kháng cự là ngưỡng 940 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi VN-Index vượt 920 điểm trong phiên đầu tuần không nên mua đuổi và chỉ nên mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh để retest thành công ngưỡng 920 điểm.
Có thể xem xét mở vị thế
Chứng khoán BIDV (BSC)
Tâm lý ổn định đã trở lại, dòng tiền đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán với thanh khoản tăng vọt. Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế ở các mã có kết quả kinh doanh tốt của năm 2018 và triển vọng phát triển tích cực cho năm 2019.
Tận dụng nhịp rung lắc để giải ngân
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Hai chỉ số đồng loạt tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết với thanh khoản được cải thiện đáng kể. Độ rộng của thị trường cũng tích cực khi số cổ phiếu tăng chiếm ưu thế áp đảo. Xu thế tăng đang phát triển do vậy nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc ở các vùng kháng cự để giải ngân.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.