Nhận diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giá
Đó là một trong 4 "cách thức" đã được Cục Hải quan Thành phố Hà Nội chỉ ra liên quan đến việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giá.
Doanh nghiệp nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau, khai tăng trị giá hàng hóa hoặc các loại phí có thuế suất thấp và khai giá giảm giá trị của hàng hóa và các loại phí có thu suất cao với mục đích trốn thuế. (Ảnh minh hoạ) |
Theo đó, bên cạnh những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của địa phương về vốn đầu tư, sử dụng lao động và thu cho ngân sách nhà nước..., theo chia sẻ từ Cục Hải quan TP Hà Nội, doanh nghiệp FDI trên địa bàn phát sinh một số rủi ro kéo dài trong nhiều năm trong đó, có thể kể đến việc doanh nghiệp FDI “có dấu hiệu” hoặc đã bị phát hiện có hành vi chuyển giá, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nước, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư...
Cụ thể, Cục Hải quan TP. Hà Nội cho biết, có 4 dạng chuyển giá được phát hiện chủ yếu.
Một là, doanh nghiệp khai tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định, đặc biệt là những trường hợp được ưu đãi đầu tư miễn thuế nhập khẩu nhằm tăng chi phí được trừ cho mục đích tính thu thu nhập doanh nghiệp.
Hai là, doanh nghiệp nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau, khai tăng trị giá hàng hóa hoặc các loại phí có thuế suất thấp và khai giá giảm giá trị của hàng hóa và các loại phí có thu suất cao với mục đích trốn thuế nhưng tổng số tiền phải thanh toán cho đối tác nước ngoài không đổi hoặc vẫn chuyển được lợi nhuận ra nước ngoài.
Ba là, doanh nghiệp bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết cùng tập doàn, cùng hệ thống với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài. Hoặc bán hàng cho các bên liên kết với giá thấp, không bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng nhằm giảm trị giá hàng phải chịu thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bốn là, các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công, sản xuất, dịch vụ rất cao. Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại Việt Nam thực hiện sản xuất, gia công, dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công, sản xuất, dịch vụ do công ty mẹ quy định, đơn giá này rất thấp.
Để kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI nói chung và trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan TP Hà Nội nói riêng một cách hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ và có lộ trình cụ thể về thể chế, năng lực và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan về kiểm tra phát hiện gian lận thông qua chuyển giá, cụ thể:
Ví dụ như việc hoàn thiện thể chế. Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Thông tư 41/2017/ TT-BTC quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết mới được ban hành, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, cần được thường xuyên đánh giá mức độ phù hợp với thực tế để kịp thời ban hành Nghị định, Thông tư sửa đổi bổ sung nếu cần thiết.
Gần đây, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính (quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) đã bổ sung quy định trong trường hợp có nghi vấn về giá trị khai báo, cơ quan Hải quan có thể chuyển thông tin nghi vấn này cho cơ quan Thuế nội địa để làm cơ sở kiểm tra, xác định giá giao dịch liên kết.
Bên cạnh đó, xét về dài hạn, cần có hướng nghiên cứu, xem xét nâng cấp quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết từ cấp độ “Nghị định” lên cấp độ “Luật”.
Thực tế cho thấy, việc nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tự thân đã có tác dụng “răn đe”, nâng cao ý thức tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn sẽ giúp nâng cao trách nhiệm, tăng cường khả năng phối hợp giữa các ngành, cơ quan có liên quan. Ví dụ trước đây, khi việc quản lý xác định giá chuyển nhượng chỉ được thực hiện ở mức Thông tư do Bộ Tài chính ban hành, sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp hoàn toàn trên cơ sở tự nhận thức và tự giác, hoặc nhiều nhất cũng chỉ là các quy định pháp lý chung của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của các bên thứ ba đối với công tác quản lý thuế nói chung.
Đến nay, Nghị định 20 (Điều 15) cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp tham gia giao dịch liên kết đã tạo cơ sở pháp lý khiến cho việc quản lý giá chuyển nhượng không chỉ là trách nhiệm, của Bộ Tài chính. Điều này sẽ khiến cho công tác quản lý giá chuyển nhượng có hiệu quả hơn, đồng thời củng cố thêm lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp.