Nhà quản lý quỹ kiếm 1 tỷ USD từ bitcoin khuyên hiện không nên đầu tư
Vào năm 2021, ông Duncan MacInnes, nhà quản lý quỹ tại Ruffer, đã thuyết phục các đồng nghiệp của mình phân bổ 2% danh mục đầu tư vào bitcoin. Khoản đầu tư này đã giúp Ruffer thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ bảng Anh (GBP) - một trong những khoản lãi lớn trong lịch sử ngành quản lý quỹ.
Tuy nhiên, ông MacInnes đã mất đi niềm tin vào bitcoin. Đồng thời, danh mục đầu tư của của Ruffer cũng không còn bitcoin.
“Tôi từng là một người cuồng bitcoin”, ông trả lời phỏng vấn của Telegraph. “Tôi chưa bao giờ tin vào điều gì nhiều đến thế. Chúng tôi đã đầu tư bitcoin vào thời điểm đại dịch và đồng tiền này là tài sản hoàn hảo tại điểm đó”.
Niềm tin vào các tổ chức đã suy giảm, lãi suất bằng 0, mọi người đều ở nhà và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên máy tính, ông nói thêm. Tuy nhiên, đến nay, ông MacInnes lại tự hỏi rằng không rõ bitcoin dùng để làm gì.
Nhà quản lý quỹ này giải thích: “Bitcoin không phù hợp để làm công cụ thanh toán, nó đã thất bại trong vai trò phòng thủ trước đợt lạm phát gần đây”.
“Việc in tiền thông qua nới lỏng định lượng (QE) đã đảo chiều và thị trường đang ít quan tâm hơn tới công nghệ nói chung”, ông cho biết.
Ông MacInnes cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều tiền đã được các nhà đầu tư mạo hiểm đổ vào tiền mã hóa và rất nhiều người thông minh đã tham gia thị trường, nhưng thật khó để chỉ ra bất kỳ kết quả cụ thể nào của tất cả số tiền và công chức ấy. Giờ đây, cũng có những điều mới mẻ, hào hứng hơn, chẳng hạn như trí thông minh nhân tạo (AI), ông nói.
“Thời điểm Ruffer đầu tư vào bitcoin, mọi người đang nói về dòng tiền tổ chức sắp đổ vào thị trường. Tuy nhiên dự báo này đã không xảy ra”, ông cho hay.
“Nếu ETF bitcoin thực sự được ra mắt vào thời điểm đó, nó sẽ thu hút được một lượng tiền khổng lồ. Nhưng đến giờ, tôi không nghĩ có ai quan tâm, tôi không nghĩ rằng có nhu cầu bị dồn nén”.
Ông MacInnes chứng minh luận điểm của mình bằng ví dụ của Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), một quỹ tín thác được cấp phép tại Mỹ. Các quỹ tín thác có thể được giao dịch ở mức giá cao hơn, hoặc thấp hơn so với giá trị tài sản thực tế.
“Vào năm 2020, GBTC được giao dịch với giá cao hơn 20% so với giá bitcoin. Tuy nhiên, sự chênh lệch này giờ đây đã nhường chỗ cho mức chiết khấu lên tới hai con số”, ông nói.
Theo nhà quản lý quỹ này, chẳng có lý do gì để đầu tư vào một quỹ ETF giao ngay trong khi có thể mua bitcoin với giá chiết khấu thông qua GBTC. Mức chiết khấu của GBTC cho thấy thị trường không có nhu cầu với bitcoin.
Ngoài ra, một yếu tố khác mà ông MacInnes từng kỳ vọng sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường cũng đã không trở thành hiện thực. Nhà quản lý quỹ này đang đề cập đến vô số vụ lừa đảo đã xảy ra trên các sàn giao dịch tiền mã hóa.
Ông nói: “Mọi người nghĩ rằng sự xuất hiện của nhà đầu tư tổ chức sẽ buộc những kẻ xấu phải từ bỏ. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó. Chúng tôi vẫn thấy dòng tiền chảy vào túi Sam Bankman-Fried”.
Sam Bankman-Fried hay SBF là cựu CEO và nhà sáng lập của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX. Cuối năm ngoái, FTX đã sụp đổ, kéo thị trường tiền mã hóa xuống đáy trong nhiều năm. Vừa qua, Sam Bankman-Fried đã bị tuyên có tội với 7 cáo buộc hình sự và có thể đối mặt với án tù 115 năm.
Ông MacInnes nói thêm: “Cá nhân tôi hiện không nắm bitcoin và cũng không sợ hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) dù gần đây giá đồng tiền này đã tăng gấp đôi. Tôi nghĩ bitcoin đã từng có lúc tỏa sáng”.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng nếu bắt buộc phải đầu tư vào một loại tiền mã hóa thì đó sẽ là bitcoin. “Tôi không biết nhiều về những đồng tiền mã hóa khác nhưng tôi nghi ngờ về chúng. Những đồng tiền tôi đã xem qua đề có những dấu hiệu tiêu cực (red flag)’, ông giải thích.
Tính từ đầu năm đến sáng ngày 27/12, bitcoin đã tăng khoảng 155%, trở thành loại tài sản tăng giá tốt nhất, vượt xa vàng, các chỉ số chứng khoán Mỹ hay đồng USD. Bitcoin tăng giá trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) chấp thuận đơn đăng ký mở bitcoin ETF giao ngay của hàng loạt ông lớn.
Nếu những yêu cầu này được thông qua, thị trường tiền mã hóa có thể nhận dòng tiền mới từ các nhà đầu tư trước đây không thể trực tiếp nắm giữ bitcoin. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang tích cực trước triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào năm tới.