|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những thách thức để đưa bitcoin trở lại đỉnh 69.000 USD

08:08 | 03/12/2023
Chia sẻ
Để đưa bitcoin trở lại mức đỉnh từng ghi nhận vào cuối năm 2021, thị trường tiền mã hóa cần giải quyết một loạt câu hỏi, từ mức thanh khoản thấp kỷ lục cho tới điều kiện vĩ mô không thuận lợi và phải kể một câu chuyện thực sự thuyết phục để giữ chân nhà đầu tư.

Vào ngày 9/11/2021, bitcoin đã làm lên lịch sử khi tiến sát mốc 69.000 USD. Tuy nhiên sau đó, một loạt sóng gió, từ những yếu tố vĩ mô cho tới cuộc khủng hoảng ngay chính trong ngành công nghiệp tiền mã hóa có lúc đã kéo bitcoin xuống 15.000 USD - chưa bằng 1/4 so với đỉnh.

Bước sang năm 2023, khi sóng gió trên thị trường dịu bớt và triển vọng về những dòng tiền mới từ các nhà đầu tư tổ chức ngày càng gần kề, tiền mã hóa nói chung và bitcoin nói riêng đã có đợt phục hồi mạnh mẽ. Kể từ đầu năm, đồng tiền này đã tăng hơn 133%, trở thành tài sản tài chính có kết quả tích cực nhất. 

Tối ngày 2/12, bitcoin đang được giao dịch ở khoảng 38.800 USD, tức còn cách đỉnh lịch sử hơn 30.000 USD. Tuy nhiên để đạt tới mức đỉnh này, thị trường tiền mã hóa sẽ phải vượt qua một loạt thử thách hóc búa.

Thanh khoản thấp

Vào ngày 16/10, bitcoin tăng hơn 10% chỉ trong vài phút sau thông tin giả mạo cho rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phê duyệt quỹ giao dịch chỉ số (ETF) giao ngay dựa trên đồng tiền mã hóa này. Cuối ngày 24/11, bitcoin lại một lần nữa tăng dựng đứng chỉ trong vài tiếng, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Một phần những biến động tăng giá trên cho thấy niềm tin đang trở lại thị trường, đặc biệt là kỳ vọng vào việc các đơn đăng ký ETF bitcoin giao ngay được thông qua. Tuy nhiên, biến động trên cũng đến từ việc thanh khoản trên thị trường đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. 

Khối lượng giao dịch bình quân trong một ngày vào tháng 11 chỉ là 50 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với kết quả 35 tỷ USD của tháng 10 hay chưa đến 30 tỷ USD trong tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn đang ở mức thấp nhất trong gần 5 năm.

Nếu không tính đến năm 2023, giai đoạn gần nhất mà thị trường tiền mã hóa ghi nhận khối lượng giao dịch thấp như tháng 11/2023 là tháng 4/2019.

Tỷ lệ giữa vốn hóa/khối lượng giao dịch đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2017.

Khối lượng giao dịch thấp khiến khuếch đại các biến động về giá, ở cả chiều tăng lẫn giảm. Vào ngày 16/10, ngay sau khi tăng lên gần 30.000 USD, giá bitcoin đã tụt xuống 28.000 USD cũng chỉ sau vài phút.

Nhà đầu tư trong giai đoạn thanh khoản thấp sẽ phải đối mặt với những rủi ro rất lớn từ biến động lớn của giá các đồng tiền mã hóa.

Vốn hóa của các đồng tiền ổn định (stablecoin) cũng là một chỉ báo khác để các chuyên gia đánh giá về tính thanh khoản của thị trường. Stablecoin được sử dụng để chuyển đổi từ tiền pháp định sang tiền mã hóa và ngược lại.

Theo dữ liệu từ DefiLlama, số lượng stablecoin đang lưu thông ở mức khoảng 128 tỷ USD, tăng nhẹ so với đáy 123 tỷ USD ghi nhận hồi tháng 8 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh khoảng 188 tỷ USD vào tháng 4/2022. Vốn hóa stablecoin thấp cho thấy dòng tiền tìm đến thị trường tiền mã hóa vẫn chưa phục hồi nhiều.

 

Theo Bloomberg, một trong những lý do khiến thị trường tiền mã hóa không thu hút được thêm dòng tiền mới là do lãi suất cao. Hiện nay, những tài sản tài chính truyền thống như trái phiếu kho bạc Mỹ với lợi suất cao và độ an toàn tuyệt đối đang hút nhà đầu tư từ mọi lĩnh vực, bao gồm cả tiền mã hóa. 

Điều kiện vĩ mô

2021 là một năm rất đặc biệt với tài sản nói chung và bitcoin nói riêng. Đại dịch COVID buộc mọi người phải ở nhà, không có điều kiện ra ngoài chi tiêu. Đồng thời chính phủ nhiều quốc gia tung ra các gói hỗ trợ tài chính với quy mô chưa từng có để vực dậy nền kinh tế. 

Kết quả là, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân nhanh chóng vọt lên cao kỷ lục, luôn ở mức hai con số từ năm 2020 đến 2021. Thêm vào đó, chính sách duy trì lãi suất điều hành gần như bằng 0 khiến những kênh đầu tư truyền thống như trái phiếu chính phủ hay tiền gửi ngân hàng có lợi suất không đáng kể. 

Do vậy, nguồn tiền nhàn rỗi kỷ lục đã đổ vào bất động sản, chứng khoán và tiền mã hóa, thúc đẩy những tài sản này tăng giá nhanh chóng. Cùng với chứng khoán Mỹ, bitcoin đã chạm đỉnh vào cuối năm 2022, trong khi giá bất động sản tại Mỹ (và nhiều quốc gia khác) tăng dựng đứng và tạo đỉnh cho đến khi Fed bắt đầu chiến dịch thắt chặt.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã đạt đỉnh trong năm 2020 - 2021. 

Có thể nói, như bao tài sản khác, giá bitcoin chịu tác động mạnh mẽ bởi điều kiện vĩ mô. Khi Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất, đồng tiền này và toàn bộ thị trường tiền mã hóa đã đi xuống. Những ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Fed còn khiến một loạt quỹ đầu cơ, công ty tiền mã hóa sụp đổ, đưa thị trường xuống đáy vào cuối năm 2022. 

Những yếu tố thuận lợi về vĩ mô vào năm 2021 sẽ khó lặp lại. Sang năm 2024, Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng chắc chắn phải còn lâu lãi suất mới quay lại như giai đoạn trước 2022. Tương tự, với mức thâm hụt tài khóa kỷ lục mà Mỹ và các chính phủ khác đang phải đối mặt, khó có thể tưởng tượng một đợt kích thích như trong thời đại dịch COVID. 

Thậm chí, năm 2024 của bitcoin có thể sẽ còn tăm tối hơn nếu nền kinh tế Mỹ thực sự rơi vào một đợt suy thoái. Trong cuộc suy thoái ngắn ngủi từ tháng 3 đến hết tháng 4/2020, giá bitcoin có thời điểm mất tới hơn 89% so với mức đỉnh. 

Thiếu câu chuyện

Hai đợt tăng giá vào năm 2017 và 2021 đều nhờ vào những câu chuyện về tiềm năng của tiền mã hóa trong việc giải quyết các vấn đề thực tế, thay vì chỉ là một tài sản không có giá trị thực tế, không được bảo đảm bởi bất cứ thứ gì. 

Vào năm 2017, cơn sốt ICO (phát hành tiền mã hóa lần đầu) đã thu hút nhà đầu tư nhờ những ứng dụng tiềm năng của tiền mã hóa trong việc gọi vốn.

ICO được kỳ vọng là giải pháp để các công ty khởi nghiệp tránh thủ tục pháp lý lâu dài, tốn chi phí hay chịu kiểm soát, chi phối từ những nhà đầu tư truyền thống như ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm ...  Tuy nhiên, một loạt bê bối về lừa đảo, sai phạm đã khiến cơn sốt ICO lụi tàn.

Đến năm 2021, NFT (mã thông báo không thể thay thế), Web3 và Metaverse (vũ trụ ảo) lại trở thành những ví dụ cho tính ứng dụng thực tiễn của tiền mã hóa. Thị trường bắt đầu bùng nổ sau thương vụ đấu giá NFT trị giá 69 triệu USD của nghệ sĩ Beeple.

Thị trường lại kể cho nhau những câu chuyện về tính ứng dụng của NFT để chứng thực quyền sở hữu với tác phẩm nghệ thuật, trò chơi điện tử hay thậm chí cả bất động sản. Cơn sốt được thổi bùng hơn nữa khi người nổi tiếng và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cũng bắt đầu tham gia.

Cũng như cơn sốt ICO năm 2017, đợt tăng giá năm 2021 đã vụt tắt khi câu chuyện về tiềm năng của tiền mã hóa không còn đủ sức hấp dẫn và sự thật dần được phơi bày.

Những NFT trị giá hàng nghìn USD chỉ là một đường dẫn đến một tấm ảnh được lưu trữ trên Google Drive, trong khi vũ trụ ảo trị giá hàng tỷ USD của Facebook lại trông như một trò chơi điện tử từ những năm 2000.

Tấm ảnh selfie của ông chủ Facebook trong ứng dụng Horizon Worlds được so sánh với những trò chơi điện tử từ hai thập kỷ trước. (Ảnh: Meta).

Sang năm 2023, phần lớn sự phấn khích về bitcoin đang được thúc đẩy bởi “câu chuyện” về sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư tổ chức. Thực tế, một số công ty quan trọng nhất từ Phố Wall như BlackRock, VanEck và Fidelity đã sẵn sàng ra mắt các ETF dựa trên bitcoin. Các ngân hàng đang xây dựng hệ thống blockchain và “token” đã trở thành một từ thông dụng của giới tài chính.

Tuy nhiên, câu chuyện lần này đang dựa trên giải định rằng tiền mã hóa như một loại tài sản để đầu tư hoặc đầu cơ, chứ không hề nhắc tới tính ứng dụng (use case) như những đợt tăng giá trước. Thứ tiềm năng mà thị trường đang kỳ vọng dường như chỉ là việc thu hút thêm nhiều người tham gia, trong trường hợp này là các nhà đầu tư tổ chức.

Nhưng sẽ đến lúc những nhà đầu tư này và chính thị trường tự đặt câu hỏi rằng mình mua bitcoin hay những tài sản mã hóa trên để làm gì. Nếu câu trả lời là chờ tăng giá thì nhiều khả năng bong bóng sẽ sớm vỡ.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).