|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 sắp đi vào vận hành

22:25 | 17/04/2019
Chia sẻ
Theo Công ty Cổ phần nhà máy năng lượng mặt trời Văn Giáo, Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 sẽ đi vào vận hành trong tháng 6/2019.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang chiều 17/4 về báo cáo tiến độ thực hiện dự án điện mặt trời Văn Giáo 2 (xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Giám đốc Công ty Cổ phần nhà máy năng lượng mặt trời Văn Giáo cho biết, nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 sẽ hoàn thành và đi vào vận hành trong tháng 6/2019.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên cho biết, đến thời điểm này, dự án Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 đã lấp pin mặt trời trên 90% và dự kiến ngày 20/6/2019 dự án sẽ hoàn thành chạy thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tuy nhiên, theo giám đốc Công ty Cổ phần nhà máy điện mặt trời Văn Giáo, hiện trong quá trình hoàn thành dự án, công ty đang gặp một số khó khăn về mặt bằng, đường giao thông, quy hoạch chi tiết và nhiều vấn đề phát sinh cần tháo gỡ kịp thời để nhà máy đi vào vận hành theo đúng kế hoạch đề ra.

Trong trường hợp nhà máy không đi vào vận hành trong tháng 6/2019, Công ty sẽ không bán được điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá ưu đãi, công ty sẽ bị thua lỗ hàng chục triệu USD...

Bà Quyên cho biết, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ mua toàn bộ lượng điện sản xuất từ các dự án điện mặt trời để hòa lưới điện có ngày vận hành trước 30/6 trong vòng 20 năm, với giá mua ưu đãi tại thời điểm giao nhận điện là 9,35 Uscents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá cao chủ trương đầu tư nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 trên địa bàn huyện Tịnh Biên, An Giang của Công ty Cổ phần Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo, góp phần nâng cao năng lực cung cấp điện quốc gia và ổn định nguồn cung điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất cho tỉnh An Giang và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trước khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Lê Văn Nưng yêu cầu các sở, ban, ngành và huyện Tịnh Biên phối hợp, xem xét kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho chủ đầu tư, để dự án Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 sớm hoàn thành và đi vào vận hành đúng như dự kiến...

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh An Giang cũng lưu ý chủ đầu tư, khi nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 đi vào vận hành thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường, không được sử dụng các loại hoá chất để vệ sinh tấm pin PV trong quá trình vận hành nhà máy; tuân thủ các quy định phòng, chống cháy, nổ....

Dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 phù hợp với định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ đến năm 2030.

Trước đó, dự án Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 tại Quyết định số 2459/QĐ-BCT ngày 10/7/2018.

Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 do Công ty Cổ phần nhà máy năng lượng mặt trời Văn Giáo làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.140 tỷ đồng; với công suất thiết kế 50 MWp, sử dụng công nghệ điện quan (công nghệ PV) để chuyển đổi trực tiếp ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện nhờ vào hiệu ứng quang điện.

Dự án có diện tích mặt bằng sử dụng khoảng 60ha gồm: khu vực lắp dựng hệ thống pin mặt trời, inverter, trạm nâng áp 0,38/22kV, cáp trung áp 22kV và đường công tác tới từng mảng pin mặt trời; khu vực nhà điều hành; khu vực phân phối 22kV, trạm nâng áp 22/110kV; khu vực hành chính, dịch vụ, nhà kho...

Khi dự án hoàn thành, tuyến đường dây 110 kV nhà máy điện mặt trời Văn Giáo - Tịnh Biên đấu nối với nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2 vào Trạm biến áp 110 kV Tịnh Biên hiện hữu để hoà vào lưới điện quốc gia.

Thời hạn hoạt động của dự án là 25 năm kể từ ngày nhà máy chính thức hoà vào lưới điện quốc gia.

Thanh Sang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.