|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà đầu tư SSF sẽ đánh cược với khu đất 419 Lê Hồng Phong?

10:49 | 24/09/2020
Chia sẻ
Danh sách nhà đầu tư chiến lược sắp tham gia mua cổ phiếu SSF có cả người có liên quan đến Thành Bưởi trong bối cảnh SSF đang thua lỗ khiến không ít người đặt dấu hỏi: Liệu kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong có thay đổi vào phút chót?

Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất bất thành

Nước cờ của Giáo dục G Sài Gòn tại đất vàng 419 Lê Hồng Phong - Ảnh 1.

Khu đất 419 Lê Hồng Phong từng cho CTCP Giày Sài Gòn thuê. (Ảnh: Reatimes)

Mới đây, CTCP Giáo dục G Sài Gòn (Mã: SSF), trước đây là Công ty Giày Sài Gòn đã có thông báo xin ý kiến cổ đông về việc tổ chức huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân, trong đó có người đại diện theo pháp luật cho Chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi Sài Gòn, thuộc Nhà xe Thành Bưởi.

Theo tờ trình gửi cổ đông, một phần vốn từ việc chào bán lần này sẽ được SSF sử dụng để đầu tư dự án giáo dục tại khu đất số 410 Lê Hồng Phong.

Cụ thể, doanh nghiệp cần bổ sung nguồn vốn làm thủ tục pháp lí xin tiếp tục thuê đất, giải ngân đầu tư hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học và kinh doanh giáo dục tại khu đất trên theo phương án xã hội hóa với số tiền 48 tỉ đồng.

Cũng theo SSF, trong giai đoạn khó khăn nhất công ty đã vay của ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi số tiền 9 tỉ đồng và hiện còn nợ 3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, cổ đông lớn Nguyễn Đoàn Duy Thanh cũng cho công ty mượn hơn 17 tỉ đồng. Theo đó, công ty cần 20 tỉ đồng để thanh toán nợ trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, tháng 2/2020, UBND TP HCM đã có quyết định duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu dân cư liên phường 2, 3, 4, 9, 10, 11, quận 10 thuộc lô đất E (419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10).

Vị trí lô đất phía Đông giáp đường Lê Hồng Phong, phía Tây giáp đường Trần Nhân Tôn, phía Nam giáp đường Hòa Hảo, phía Bắc giáp đường Vĩnh Viễn.

Theo Đồ án qui hoạch được duyệt, khu đất 419 Lê Hồng Phong là đất nông nghiệp sạch. Sau khi điều chỉnh cục bộ qui hoạch chuyển thành đất giáo dục (trường trung học cơ sở).

Tổng diện tích khu đất là 1,04 ha. Tầng cao tối đa sau điều chỉnh là 6, trong đó nêu không bố trí lớp học từ tầng 5 trở lên.

UBND TP HCM giao UBND quận 10 phối hợp sở, ngành liên quan lập điều chỉnh cục bộ đồ án qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 tại khu đất trên, trình thẩm định, phê duyệt theo qui định, để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trường học.

Dù văn bản trên không hề đề cập tới việc giao đất, cho thuê đất đối với khu đất 419 Lê Hồng Phong nhưng trong bản thông báo gửi cổ đông, SSF có nhắc tới kế hoạch triển khai dự án tại khu đất này.

Trước đó, tháng 5/2019, Văn phòng UBND TP HCM đã có văn bản thông báo kết luận của Thường trực UBND TP về điều chỉnh cục bộ đồ án qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 tại khu đất số 419 đường Lê Hồng Phong

Cụ thể, tại buổi họp ngày 13/5/2019 do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì, Thường trực UBND TP HCM cho biết, hiện quĩ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 còn thiếu so với qui định và qui hoạch được duyệt, đặc biệt là quĩ đất dành cho trường trung học cơ sở còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho các học sinh trên địa bàn quận 10 trong thời gian tới.

Trong khi đó, khu đất số 419 Lê Hồng Phong đến hết năm 2020 là hết thời hạn thuê đất, TP sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho UBND quận 10 để đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở đạt chuẩn theo qui định (bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước).

Theo đó, TP yêu cầu UBND quận 10 làm việc với đơn vị thuê sử dụng khu đất nói trên, để thông báo cho đơn vị biết chủ trương của TP.

Như vậy, dự án này đã được TP đã chỉ đạo làm trường công lập bằng nguồn vốn ngân sách chứ không hề có chủ trương xã hội hóa như SSF công bố. 

Người viết đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Đại, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSF để biết thêm thông tin. Tuy nhiên vị này từ chối trả lời qua điện thoại.

Vì sao nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền vào SSF?

Theo tìm hiểu của người viết, SSF dường như vẫn chưa từ bỏ ý định tiếp tục khai thác khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong, doanh nghiệp từng có kế hoạch xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu đất nói trên.

Cụ thể, theo báo cáo thường niên năm 2019, SSF cho biết, khu đất 419 Lê Hồng Phong nằm trong khu dân cư đông đúc, việc qui hoạch khu đất là khu công nghiệp sạch về lâu dài là không còn phù hợp.

Do đó, công ty đang thực hiện các thủ tục kiến nghị UBND TP HCM cho phép chuyển đổi qui hoạch khu đất sang khu thương mại dịch vụ và gia hạn thời gian thuê đất cũng như chuyển đổi hình thức thuê từ trả tiền hàng năm sang trả tiền thuê đất một lần cho thời hạn 50 năm.

"Năm 2020, công ty tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng nhằm thực hiện thủ tục tiếp theo để gia hạn thuê đất và điều chỉnh qui hoạch, tuy nhiên quá trình này đòi hỏi có nhiều thời gian", báo cáo nêu rõ.

Không chỉ vay tiền của một số cá nhân thuộc Công ty Thành Bưởi,  SSF từng phát sinh hợp đồng cho thuê đất đối với doanh nghiệp này tại chính khu đất trên.

Năm 2000, khu "đất vàng" 419 Lê Hồng Phong được UBND TP HCM cho CTCP Giày Sài Gòn (nay là CTCP Giáo dục G Sài Gòn) thuê với diện tích đất khoảng 1,3 ha.

Đến năm 2007, UBND TP chấp thuận cho công ty này tiếp tục sử dụng gần 1,1 ha và đến hết năm 2020 là hết thời hạn thuê đất.

Theo hợp đồng thuê đất, CTCP Giày Sài Gòn phải quản lí, sử dụng đất theo đúng qui định của pháp luật, không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, Giày Sài Gòn đã kí hợp đồng cho thuê đất 5 năm với Công ty Thành Bưởi.

Cụ thể, CTCP Giày Sài Gòn cho Nhà xe Thành Bưởi thuê lại khu đất với giá 440 triệu đồng/tháng, tức gần 5,3 tỉ đồng/năm, trong khi đơn vị này chỉ phải trả tiền thuê đất hàng năm cho Nhà nước với giá 100.000 đồng/m2/năm, tức 1,3 tỉ đồng/năm.

Với sai phạm trên, cơ quan chức năng buộc Giày Sài Gòn chấm dứt hợp đồng cho thuê. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã chuyển hợp đồng cho thuê thành hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thành Bưởi trên khu đất 419 Lê Hồng Phong, thời hạn từ ngày 1/7/2016 đến 30/6/2021.

UBND TP cũng đã nhiều lần chỉ đạo CTCP Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng tại khu đất. Tuy nhiên, mãi đến tháng 9/2017, Giày Sài Gòn mới thanh lí hợp đồng cho Công ty Thành Bưởi thuê đất tại khu đất nói trên.

Đến nay, trên giấy tờ, khu đất vàng đã không còn liên quan đến Công ty Thành Bưởi. Song, danh sách nhà đầu tư chiến lược sắp tham gia mua cổ phiếu SSF có cả người có liên quan đến Thành Bưởi trong bối cảnh SSF đang thua lỗ khiến không ít người đặt dấu hỏi: Liệu kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong có thay đổi vào phút chót?

Hà Lê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.