|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà đầu tư Hàn Quốc muốn Việt Nam gỡ khó 3 vấn đề pháp lý

20:45 | 16/06/2017
Chia sẻ
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) kiến nghị ba vấn đề pháp lý.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, sáng nay (16/6), ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) kiến nghị ba vấn đề pháp lý hiện đang gây khó cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

Miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm

Vấn đề đầu tiên mà Chủ tịch KoCham nêu ra là việc miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm. Ông Ryu Hang Ha cho hay, trước đây, Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu và Nghị định thi hành có quy định “Không áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất từ vật tư được nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu.”

Do đó, trước đây không áp thuế xuất khẩu.

nha dau tu han quoc muon viet nam go kho 3 van de phap ly
Chủ tịch KoCham cho rằng có một số quy định pháp lý gây khó nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu được sửa đổi ngày 06/04/2017, và Nghị định thi hành có hiệu lực từ ngày 01/09/2016 đã không còn cụm từ “Không áp thuế xuất khẩu”. Do đó, các cơ quan nhà nước đang hiểu là vẫn áp thuế xuất khẩu. Và hiện tại, các sản phẩm này vẫn đang bị áp thuế xuất khẩu.

Chủ tịch KoCham lấy ví dụ, 7 đến 10% thuế xuất khẩu được áp lên các sản phẩm nhôm. Do đó, nhiều nhà sản xuất sản phẩm nhôm đang phải đối mặt với khó khăn khi xuất khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam, bởi vì họ mất năng lực cạnh tranh về giá tại các thị trường nước ngoài.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Trung Quốc không áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm. Do vậy, KoCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất các sản phẩm nhôm đảm bảo được năng lực cạnh tranh về giá và góp phần vào sự phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Cho phép chi nhánh, văn phòng đại diện mở tài khoản ngân hàng

Vấn đề thứ hai mà Chủ tịch KoCham đề nghị là việc cho phép mở tài khoản ngân hàng cho các chi nhánh, văn phòng đại diện và văn phòng quản lý dự án của các công ty nước ngoài.

Ông Ryu Hang Ha dẫn chứng: Điều 11 Thông tư 32/2016/TT-NHNN quy định một tổ chức là “pháp nhân” được phép mở tài khoản ngân hàng. Do đó, các văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện, và văn phòng quản lý dự án không có quyền độc lập nên không thể mở tài khoản ngân hàng bằng chính tên của văn phòng mình. Vì vậy, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở một tài khoản ngân hàng bằng tên trụ sở.

Chủ tịch KoCham cho rằng, "việc này gây ra rất nhiều bất tiện, khi các văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện, và văn phòng quản lý dự án thực hiện rút tiền từ tài khoản ngân hàng đó hoặc thực hiện chuyển tiền. Điều này cũng không thống nhất với các luật và quy định khác quy định rằng các văn phòng chi nhánh và văn phòng đại diện phải dùng tên của chính văn phòng mình lập hợp đồng lao động, hợp đồng thuê văn phòng và hợp đồng phụ.

Từ thực tế này, Chủ tịch KoCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi các quy định liên quan để các tổ chức không có quyền độc lập, ví dụ như các văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện và văn phòng quản lý dự án có thể dùng tên của chính văn phòng mình mở một tài khoản ngân hàng (trong giới hạn pháp luật cho phép).

Làm rõ các quy định trong Luật Phòng cháy chữa cháy

Còn vấn đề thứ ba mà KoCham kiến nghị là việc làm rõ các quy định trong luật phòng cháy chữa cháy. Ông Ryu Hang Ha cho biết: Khoản 3 điều A ND-CP/2013-167 Nghị định số 37 có hiệu lực từ ngày 12/11/2013 quy định có thể “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: làm trần, sàn, vách ngăn, mái che hoặc tập kết vật liệu dễ cháy ở những nơi không được phép theo quy định”.

Tuy nhiên, "đôi khi các công ty gặp khó khăn thi áp dụng quy định này do thiếu thông tin chi tiết. Ví dụ, luật này không quy định chi tiết về những nơi không được phép là những nơi nào. Đồng thời, luật này cũng không quy định cụ thể giới hạn về chiều rộng và chiều cao đối với mái che. Do đó, các cơ quan nhà nước nhiều khi còn diễn giải luật này một cách tùy tiện"- Chủ tịch KoCham đánh giá.

Vì thế, KoCham kiến nghị Việt Nam bổ sung chi tiết hơn Luật này để tránh việc hiểu luật một cách tùy tiện từ phía cán bộ nhà nước. Bằng cách này, các doanh nghiệp sẽ không còn bị lẫn lộn và tránh bị thiệt hại. Hơn nữa, không nên bắt buộc dỡ bỏ các cơ sở đã được xây dựng, mà thay vào đó cho phép các cơ sở này được đăng ký hợp pháp để ngăn chặn các tổn thất về kinh tế. Các biện pháp này cần được thực hiện để ngăn chặn các sự vụ tương tự xảy ra trong tương lai.

Xuân Thân