Nhà đầu tư Hà Nội chuyển hướng săn đất nền
Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chọn đất nền
Báo cáo thị trường căn hộ Hà Nội quý I/2021 của JLL Việt Nam cho thấy, trong quý đầu năm, Hà Nội ghi nhận 3.645 căn hộ mở bán chính thức, tăng 36,6% so với quý trước đó.
Trong đó, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án Panorama Hoàng Văn Thụ, The Zen Park và phân khu Grand Sapphire tại Vinhomes Smart City (chiếm 56% số căn mở bán).
Số lượng mở bán còn lại chủ yếu đến từ các dự án nhỏ lẻ, dao động 100 - 300 căn/dự án. Hầu hết các dự án mở bán mới đang ở giai đoạn hoàn thiện và đã được giới thiệu ra thị trường từ nhiều quý trước, song phải đến quý I/2021 mới hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để được mở bán.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, cùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, tâm lý của nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng, khiến lượng bán giảm 12,6% so với quý trước. Tại các dự án cao cấp, lượng giao dịch ghi nhận tương đối thấp, đặc biệt với phân khúc mua cho thuê, do việc người nước ngoài được phép nhập cảnh còn hạn chế.
Thay vào đó, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng lựa chọn đất nền và nhà liền thổ tại các khu vực lân cận Hà Nội nhờ mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn hơn so với căn hộ, đặc biệt là trong bối cảnh sốt đất đang diễn ra trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, xu hướng chủ đầu tư các dự án tích hợp quy mô lớn có xu hướng bán cả tòa nhà, hoặc hợp tác cùng các chủ đầu tư thứ cấp vẫn tiếp tục gia tăng trên thị trường.
Về giá bán, thống kê của JLL cho thấy, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ tại Hà Nội trong quý I/2021 đạt 1.555 USD/m2, tốc độ tăng giá chậm hơn so với quý trước đó.
Mặc dù giá bán niêm yết tại các dự án không có dấu hiệu giảm, nhiều chủ đầu tư vẫn liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi như gói hỗ trợ lãi suất 0%, chiết khấu dịp cuối năm và kéo dài thời hạn thanh toán cho phép khách mua ở trước trả sau.
Từ nay đến cuối năm 2021, JLL dự báo, nguồn cung dự căn hộ Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện, dao động khoảng 20.000 - 25.000 căn, chủ yếu đến từ phân khúc bình dân. Nguồn cầu mua nhà để ở dự kiến tiếp tục giữ mức ổn định.
Trong khi đó, căn hộ cho thuê ở các dự án cao cấp được kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các đường bay quốc tế nối lại trong quý II/2021. Trong tương lai, khu vực phía Bắc và phía Đông Hà Nội dự kiến sẽ là tâm điểm thị trường nhờ Quy hoạch phân khu sông Hồng.
... nhưng giá đất đã tăng cao
Thời gian gần đây, phân khúc đất nền tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội đang thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư.
Tại Đông Anh, đất đấu giá ở gần trung tâm thị trấn Đông Anh dao động 85 - 100 triệu đồng/m2. Đất thổ cư giá trên 100 triệu đồng/m2. Tại khu vực Xuân Canh, đất thổ cư mặt đường lớn dao động 55 - 65 triệu đồng/m2. Tại xã Hải Bối, đất mặt tiền rộng giá lên tới 40 - 50 triệu đồng/m2.
Theo một môi giới ở Xuân Canh, Đông Anh, một mảnh đất rộng 100 m2 này hai tháng trước giá chào bán chưa đến 4,1 tỷ đồng, hai tháng sau được bán ra 5,2 tỷ đồng. Về lượng giao dịch, ngày nào cũng có ít nhất dăm bảy người đến hỏi mua, phần lớn đều chốt được giá.
Tại Gia Lâm, đất nền tại thị trấn Trâu Quỳ có giá 150 - 170 triệu đồng/m2; đất mặt đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển (Thanh Trì) dao động quanh 100 triệu đồng/m2; đất dọc Quốc lộ 32 (Trạm Trôi, Hoài Đức) giá không dưới 100 triệu đồng/m2;...
Thị trường đất nền tại một số địa phương xung quanh Hà Nội cũng sôi động không kém. Tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đất nền ven chân chung cư An Phú Residence, dự án TMS Homes Wonder World,... hồi tháng 9/2020 được chào bán với giá 8 - 9 triệu đồng/m2, nay tăng lên khoảng 13 - 27 triệu đồng/m2, thông tin từ Báo Vĩnh Phúc.
Báo Bắc Giang dẫn thông tin từ Hiệp hội Bất động sản tỉnh này cho biết, giá đất nền trên địa bàn tỉnh vài tháng trở lại đây đã tăng 10 - 20%, thậm chí có lô đất tăng 3 - 4 lần.
Cẩn trọng đầu cơ thổi giá
Giá bất động sản đang không ngừng tăng trong những tháng đầu năm 2021. gMột trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính.
Mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, có kế hoạch điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá,...
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có công văn đề nghị các địa phương thực hiện kịp thời các biện pháp quản lý, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Đồng thời, hàng loạt địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam,... cũng đã vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo trên địa bàn.