|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà đầu tư chỉ ra điểm bất thường trong mô hình sở hữu phòng trọ với 40 triệu đồng, lãi 36% mỗi năm

15:20 | 03/09/2020
Chia sẻ
Tỉ suất lợi nhuận cao tới mức phi lí là một trong những điểm bất thường mà các nhà đầu tư đề cập khi phân tích mô hình góp vốn để sở hữu nhà trọ với số tiền 40 triệu đồng.

Gần đây, bằng hàng loạt hình thức đa dạng - như quảng cáo trên Facebook, truyền miệng - nhiều người đang kêu mời chào mô hình hợp tác kinh doanh nhà trọ tiền chế để cho thuê của một công ty, với phương thức đầu tư góp vốn 40 triệu đồng sở hữu một phòng trọ. 

Một số người mời chào nói rằng, với mức giá thuê 1,5-1,7 triệu đồng/phòng mỗi tháng, lợi nhuận mà người tham gia nhận hàng tháng là 1,2 triệu đồng suốt trong 30 tháng. Sau khi hợp đồng kết thúc, nhà đầu tư nhận lại khoản vốn 40 triệu đồng. Nhà đầu tư không phải vận hành, quản lí nhà trọ.

Người dân vạch trần điểm bất thường trong mô hình sở hữu phòng trọ với 40 triệu đồng, lãi 1,2 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Quảng cáo về mô hình đầu tư nhà trọ tiền chế với số vốn 40 triệu đồng trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài mô hình gọi vốn 40 triệu đồng, công ty gọi vốn còn quảng bá suất đầu tư 600 triệu. Với số tiền ấy, nhà đầu tư sở hữu 15 phòng trọ. Lợi nhuận hàng tháng công ty trả cho nhà đầu tư là 18 triệu đồng, kéo dài trong 30 tháng. Sau 30 tháng, công ty trả vốn gốc 600 triệu đồng cho nhà đầu tư.

"Mức cam kết lợi nhuận chung cho các nhà đầu tư góp vốn là 36%. Sau 12 tháng, nhà đầu tư có quyền thanh lí phòng trọ với mức lợi nhuận 25% mỗi năm. Giấy tờ của công ty minh bạch và công chứng hợp đồng", một người môi giới nói.

Công ty gọi vốn nói rằng họ sẽ xây dựng nhà trọ tiền chế bằng vật liệu cách nhiệt, cách âm. Mỗi phòng có diện tích 15 m2 và gác lửng, nhà vệ sinh, thậm chí có cả công viên cây xanh. Khu trọ có nhân viên bảo vệ 24/7, camera an ninh, vận hành theo mô hình quản lí chuyên nghiệp, có nhà để xe và tiện ích vui chơi giải trí. Công ty thuê dài hạn đất mà họ xây khu trọ trong 10 năm.  

Hàng loạt nhà đầu tư đã chỉ ra những điểm bất hợp lí trong mô hình kinh doanh này. Họ cho rằng, với mức lợi nhuận 36% dành cho nhà đầu tư, công ty phải phải đạt tỉ suất sinh lời trên 40% mỗi năm mới có thể trả lương cho nhân viên và chi phí vận hành. Đây là tỉ suất không tưởng với mô hình cho thuê nhà trọ.

"Để kêu gọi nhà đầu tư, họ phải vẽ ra viễn cảnh tươi sáng và cách thức dễ dàng. Nhưng thực hiện ý tưởng mới là việc khó. Công ty kêu gọi vậy thôi chứ chắc chắn họ không dám kí hợp đồng với nội dung cam kết mức lãi 36% cho nhà đầu tư", một người có tên Hoàng Kiên nhận xét. 

Hoàng Kiên cho rằng mọi người nên cảnh giác trước những dự án đầu tư cam kết mức lợi nhuận trên 20% mỗi năm.

"Warren Buffett là huyền thoại đầu tư mà cũng chỉ đặt mục tiêu lãi cao nhất là 20% mỗi năm. Những người đang lao theo mấy dự án cam kết mức lãi trên 20% mỗi năm hãy tỉnh ngộ sớm", Kiên phát biểu.

Nhà đầu tư chỉ ra điểm bất thường trong mô hình sở hữu phòng trọ với 40 triệu đồng, lãi 36% mỗi năm - Ảnh 2.

Một căn nhà trọ tiền chế mà công ty gọi vốn đưa ra để minh họa trong quảng cáo. (Ảnh chụp màn hình)

Võ Thị Liên, một người đang kinh doanh nhà trọ ở Hà Nội, chỉ ra rằng nếu công ty thuê đất để xây nhà trọ, họ sẽ rất khó đạt tỉ suất lợi nhuận 20% mỗi năm, chứ chưa nói tới mức 36%.

"Không ai có thể bảo đảm rằng chúng ta cứ xây nhà trọ rồi sẽ có khách tới thuê. Còn cam kết lợi nhuận không phải là yếu tố mà nhà đầu tư có thể viện dẫn để kiện nếu công ty không trả lãi đúng như họ cam kết", chị Liên nói.

Từng kinh doanh nhà trọ gần 20 năm, Trần Mạnh Hùng, một người dân ở Hà Nội, khẳng định mức lãi 15% mỗi năm đã rất đáng mơ ước. Anh nói rằng nếu người kinh doanh có vốn nhàn rỗi và đất, họ mới hi vọng có cơ hội hưởng lợi nhuận cao.

"Vay vốn và thuê đất để xây nhà trọ là công thức hoàn hảo để thất bại", anh Hùng khẳng định. Anh nói thêm rằng phần lớn khu trọ sẽ không thể đạt tỉ lệ lấp đầy trên 70% trong vài tháng đầu khai thác. Và ngay cả khi tỉ lệ lấp đầy là 100%, mức lãi 25% mỗi năm vẫn ngoài tầm với của những người vay vốn và thuê đất để xây nhà trọ.

Giả thuyết của một số người là công ty sẽ thu hút vốn của nhiều người vào mỗi phòng trọ, và họ sẽ lấy tiền của người sau để trả cho nhà đầu tư trước theo kiểu đa cấp Ponzi. Theo họ, vì hám lợi hoặc thiếu hiểu biết, nhiều người sẽ rót vốn cho công ty.

Điều khoản mơ hồ, qui định lỏng lẻo và có lợi cho bên gọi vốn là mối lo ngại của nhiều người. Họ dự đoán công ty sẽ đưa ra một hợp đồng với những điều khoản bất lợi cho nhà đầu tư, khiến họ không thể đòi quyền lợi hợp pháp nếu công ty lật lọng.

"Hai bên kí hợp đồng huy động vốn, song tài sản không thuộc quyền sở hữu của người góp vốn, đất cũng không thuộc quyền sở hữu lâu dài của công ty vì họ chỉ thuê. Nhà đầu tư không có bất kì căn cứ nào để bảo vệ quyền lợi nếu bên gọi vốn không thực hiện đúng cam kết, phá sản hay biến mất", Phùng Xuân Khoa, một nhà đầu tư ở Hà Nội, bình luận.

Song nhiều người lại nghĩ rằng mức lãi 36% khả thi. Theo họ, với diện tích mỗi phòng trọ chỉ 15 m2, chi phí xây dựng chỉ khoảng 30-40 triệu đồng mỗi phòng nếu xây kiểu bát nháo, tạm bợ.

"Nếu cho thuê với mức 1,5-2 triệu đồng/tháng với mỗi phòng, cộng với việc tăng giá điện, nước, thời gian hoàn vốn chỉ khoảng 2 năm", một người có tên Khắc Quang khẳng định.

Nhạc Phong

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc cao kỷ lục, đà phục hồi ngành thép trong nước vẫn chưa chắc chắn
Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép từ thép Trung Quốc.