Nhà đầu tư cần biết: Xây dựng, thiết lập các giả định trong phân tích tâm lí và hành vi giá của cổ phiếu
Phân tích hành vi là gì?
Đây là một phân tích, nghiên cứu xem những hành vi (hành động có nhận thức) của các chủ thể (nhà đầu tư) có thể ảnh hưởng đến việc ra các quyết định giao dịch cũng như giá cả thị trường ra sao. Việc thiết lập các giả địch phân tích này lấy lí luận về dự tính duy lí của các nhà đầu tư làm trung tâm.
Phương pháp phân tích, nghiên cứu dựa trên các mô hình kết hợp giữa tâm lí học với các mô hình về dự tính duy lí của thị trường tài chính. Phân tích hành vi được áp dụng nhiều trong phân tích về các quyết định thị trường cũng như trong phân tích về lựa chọn các nhà đâu tư tham gia giao dịch trên thị trường.
Việc áp dụng phân tích hành vi trên thị trường chứng khoán hay cụ thể phân tích xu hướng, đường đi của một cổ phiếu là một vấn tạo ra rất nhiều sự nhầm lẫn cho các nhà đầu tư.
Đại đa số nhà đầu tư cho rằng phân tích tâm lí, hành vi chỉ đơn giản là phân tích sự chán nản, sự hưng phấn... Từ đó, NĐT suy diễn ra các kết quả đỉnh, đáy của nhịp tăng giảm ở thị trường.
Thế nhưng phân tích tâm lí - hành vi được chia ra làm hai phần rõ ràng và từ đó kết hợp thêm những yếu tố khác cho ra một kết quả chính xác nhất.
Chuẩn mực trong phân tích hành vi cổ phiếu như thế nào?
Xu hướng thị trường hay cổ phiếu được hình thành từ các dòng chảy của dòng tiền lớn (hay nói các khác là dòng tiền tạo lập, các market maker). Nó được diễn ra trên nguyên tắc của cung - cầu trên thị trường tài chính trong nước nói riêng và thế giới nói chung.
Khi dòng tiền lớn được chảy vào vào một thị trường nào đó hoặc rút ra nó tạo ra một áp lực vô cùng lớn về cung – cầu trên thị trường đó dẫn đến thị trường đó được tăng trưởng hoặc suy thoái.
Điển hình, trước năm 1997, các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc, các con rồng châu Á, đang là điểm đến lí tưởng của giới đầu tư trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định (trung bình 8-10%), lãi suất đầu tư hấp dẫn, thị trường chứng khoán và nhu cầu tiêu dùng cao cấp phát triển vượt bậc. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thu hút dòng tiền đầu tư trên toàn thế giới đổ dồn về đây, đặc biệt là dòng đầu cơ tài chính ngắn hạn.
G. Soros - người "giật dây" cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997?
Nhưng, bắt đầu từ giữa những năm 1990, Cục dự trữ Liên bang Mỹ, dưới dự lãnh đạo của Alan Greenspan bắt đầu thực hiện chính sách tăng lãi suất tín dụng của đồng USD để giảm thiểu nguy cơ lạm phát. Lãi suất tăng, tiền từ các khu vực vốn có lợi nhuận cao bắt đầu đổ ngược về Mỹ. Điều này, buộc các nước đang có dòng tiền lớn đổ vào tìm mọi biện pháp (tăng lãi suất) để giữ chân các dòng tiền này.
Vào năm 1997 có một dòng tiền đầu cơ lớn được đặt cược vào đồng Bath của ThaiLan của một số quĩ đầu cơ tài chính như Quantum (George Soros) hay Tiger Management Corp (Julian Robertson) rút ròng. Động thái này dẫn đến một dòng chảy ngoại tệ được rút ra ồ ạt và mạnh mẽ gây lên một cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ ở ThaiLan mà còn lây lan sang các nước khác ở Châu Á, tạo nên là cuộc Khủng hoảng tiền tệ.
Trong cổ phiếu thì việc phân tích hành vi chính là phân tích đường đi của dòng tiền tạo lập trong một mã nhất định.
Giá tăng và khối lượng tăng, xác định dòng tiền lớn đang chảy vào cổ phiếu. Ảnh: MMA Stock
Phân tích chuẩn xác hành vi sẽ giúp cho nhà đầu tư nhìn ra được ý đồ và đường đi của đường giá của dòng tiền tạo lập. Phân tích hành vi sẽ giúp cho nhà đầu tư tránh được những cái bẫy bear trap, bulltrap, phân phối đỉnh, kéo xả hoặc là phân phối giá xuống.
Phân tích hành vi giúp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có được một nhận định sâu sắc nhất, nhưng đồng thời nó cũng sẽ là con dao hai lưỡi nếu như NĐT bị chi phối từ tin tức (nhất là tin nội bộ, tin nội gián) thường dẫn đến các nhận định chủ quan trong phân tích.
Để hạn chế các rủi ro nhất định cho NĐT, hoạt động phân tích hành vi trong phương pháp phân tích trực quan đưa ra cách thiết lập giả định để giúp cho người phân tích có góc phân tích chuẩn xác nhất.
Dòng tiền lớn trong các nhịp điều chỉnh chưa bị rút ra. Ảnh: MMA Stock
Thiết lập giả định trong phân tích hành vi như thế nào?
Thiết lập giả định phân tích hành vi chia ra làm hai phần đó là thiết lập giả định hư cấu và thiết lập giả định thực tế
Thiết lập giả định hư cấu là thiết lập giả định đặt bản thân mình vào vị trí của dòng tiền lớn và hành động của bản thân sẽ như thế nào so với diễn biến hiện tại
Ví dụ, NĐT đang nắm giữ cổ phiếu A với tổng khối lượng là 20 triệu cổ phiếu với giá vốn 10.000 đồng/cp. Giá hiện tại đang 20.000 đồng/cp và NĐT suy đoán giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về lại vùng 15.000 đồng/cp.
Như vậy với những nhà đầu tư thiết lập giả định hư cấu sẽ cho rằng tôi sẽ bán hết ở mức giá 20.000 đồng/cp và về 16.000 đồng/cp, bắt đầu mua lại để tối đa hoá lợi nhuận.
Chính xác đó là một ý tưởng không tồi. Thế nhưng nếu cổ phiếu A này giao dịch mỗi phiên chỉ 300.000 – 400.000 đơn vị vậy thì NĐT sẽ mất bao nhieu phiên để bán hết 20 triệu cổ phiếu và mất bao nhiêu phiên để mua lại hết số đó? Rõ ràng đó là ý tưởng hư cấu và không thể thực hiện được.
Vậy, kết quả thu được ở đây cho giả định này là gì?
Nếu tại vùng giá 20.000 đồng/cp khối lượng giao dịch này đạt mức tổng nhỏ hơn ít nhất 2/3 và quay đầu giảm giá và tại vùng giá suy đoán khối lượng được trao tay vẫn nhỏ hơn 20 triệu. Điều sẽ cho thấy cổ phiếu này vẫn có sự kì vọng và tiếp tục tăng giá. Bởi lượng cổ phiếu lớn 20 triệu vẫn chưa "xả" hết ra ngoài.
Nếu lượng cổ phiếu trên vùng 20.000 đồng/cp rất nhỏ nhưng ở vùng giá 15 – 16.000 đồng/cp lớn hơn rất nhiều so với 20 triệu. Kết quả sẽ là phân phối giá xuống bởi vì lượng cổ phiếu này đang được tháo cống ra ngoài bất chấp. Lúc đó NĐT có thể đặt câu hỏi, ai là người đang bán ra với khối lượng khủng?
Ngược lại với giả định hư cấu. Giả định thực tế được thiết lập dựa trên khối lượng trung bình giữa các phiên giao dịch, dựa trên khối lượng đặt bên mua và bên bán kết hợp với hành vi đánh lệnh chẵn, lệnh lẻ, lệnh trùng lặp phân tích ra. Giả định thực tế vẫn dựa trên nguyên tắc đặt bản thân mình vào vị trí dòng tiền tạo lập
Phải xác định được lượng cổ phiếu đang trôi nổi trên thị trường là bao nhiêu? Lượng cổ phiếu mà các nhà tạo lập (hay nhà đầu tư lớn) đang nắm giữ như thế nào? Khống chế tuyệt đối hoặc đang trong thời gian gom cổ phiếu, đang tạo thanh khoản tạo cầu hoặc đang phân phối…
Tại điểm giá phân tích tâm lí nhà đầu tư cá nhân như thế nào, đang mua vào hay đang nắm giữ, hoặc đang tìm cách chốt lời (đang có lời hay lỗ, đang hưng phấn hay lo lắng…).
Từ các phân tích trên, NĐT sẽ thiết lập lên giả định hoặc lên các kịch bản mà các nhà tạo lập sẽ hành động như thế nào: ý đồ đập nhả, kéo xả hoặc tiếp tục tạo cầu.
Khi thiết lập được các kịch bản cho cổ phiếu, NĐT sẽ xây dựng các phương án giải ngân cho cổ phiếu và các mục tiêu nắm giữ cũng như các biện pháp khi đường giá có sự biến động, đi ra ngoài kịch bản được xây dựng.