|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cần biết: Kĩ năng tránh 'đu đỉnh' và áp dụng trong đầu tư chứng khoán

11:44 | 14/07/2019
Chia sẻ
Phân phối đỉnh là hiện tượng phổ biến diễn ra ở giai đoạn cuối của một xu hướng tăng giá, sau giai đoạn này cổ phiếu sẽ bước vào xu hướng giảm giá. Việc xác định được phân phối đỉnh giúp nhà đầu tư có thể chốt lời một cách hiệu quả.

Trên thị trường chứng khoán, nếu như chọn mua cổ phiếu đã mất nhiều công sức, thì việc bán ra chốt lãi cũng gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư. Đôi khi, nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu tăng, quyết định nắm giữ tiếp thì cổ phiếu giảm giá. Trong khi đó nếu quyết định bán ra thì cổ phiếu lại tiếp tục tăng giá sau đó.

Do đó,  để xác định được thời điểm bán cổ phiếu hợp lý, nhà đầu tư cần xác định được vùng phân phối đỉnh của cổ phiếu, qua đó có thể chốt lời một cách tối ưu.

Thế nào là hiện tượng phân phối đỉnh?

Phân phối đỉnh là hiện tượng phổ biến diễn ra ở giai đoạn cuối của xu hướng tăng giá, tại đây diễn ra sự chuyển giao xu hướng từ tăng (uptrend) sang giảm (downtrend). 

Sau nhịp tăng mạnh, giá cổ phiếu bị chững lại một vài phiên hoặc một thời gian dài, đi kèm với khối lượng giao dịch tăng cao đột biến. Kết thúc giai đoạn này là xu hướng giảm giá hoặc điều chỉnh.

Giống như tên gọi của nó, phân phối đỉnh xảy ra do nhóm nhà đầu tư lớn (thường là tổ chức hoặc quỹ đầu tư) "phân phối" cổ phiếu ra thị trường để thu lợi nhuận hoặc cơ cấu lại danh mục.

Do lượng cổ phiếu khá lớn, nếu bán hết ngay trong một phiên giao dịch sẽ tạo ra lượng cung đột biến. Trong khi đó lực cầu trên thị trường không hấp thụ đủ, dẫn đến việc cổ phiếu giảm và không bán được giá cao.

Thay vào đó, các tổ chức hoặc nhà đầu tư lớn thường bán trải đều qua nhiều phiên để thị trường hấp thụ từ từ. Đây là lý do khiến khối lượng giao dịch tăng cao trong nhiều phiên trong khi giá cổ phiếu không tăng.

Đến khi lượng cổ phiếu đã "phân phối" gần hết, lực bán sẽ dứt khoát hơn, lúc này lực cầu cũng yếu đi, hệ quả là giá cổ phiếu nhanh chóng rơi sau đó.

Phân phối đỉnh không chỉ diễn ra ở cổ phiếu mà còn diễn ra trên thị trường tài chính hoặc thị trường hàng hóa như vàng, ngoại tệ, ....

Dấu hiệu nhận biết phân phối đỉnh

Phân phối đỉnh có thế được phát hiện qua sự mâu thuẫn giữa giá và khối lượng cổ phiếu, kèm theo tín hiệu của các chỉ báo kỹ thuật. 

Khác với việc điều chỉnh thông thường trong xu hướng tăng, phân phối đỉnh đi kèm với khối lượng giao dịch cao đột biến. Đây chính là thời điểm mà những người nắm giữ cổ phiếu trước đó bán lại cho những người mua mới, cung cầu cân bằng và giá cổ phiếu không tăng lên được.

pp dinh

Minh họa về phân phối đỉnh

Tại vùng phân phối, trên thị trường xuất hiện nhiều tin tốt về cổ phiếu kích thích những nhà đầu tư mới mua vào, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tuyệt vời cho những nhà đầu tư lớn chốt lời, lực mua mạnh trên thị trường giúp họ có thể thoát ra lượng cổ phiếu lớn ở giá cao một cách dễ dàng.

Bên cạnh những dấu hiệu về giá cả hay tin tức, những nhà đầu tư sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật có thể nhận biết phân phối đỉnh qua các chỉ báo kỹ thuật, điển hình là RSI và MACD.

Tại vùng phân phối, trên đồ thị kỹ thuật thường xuất hiện hiện tường phân kỳ âm giữa giá cổ phiếu và các chỉ báo kỹ thuật. Cụ thể, giá cổ phiếu vẫn đi ngang hoặc tăng nhẹ, tuy nhiên các chỉ báo đã đi xuống trước tạo nên sự phân kỳ, cho thấy tín hiệu đảo chiều giảm giá.

Cuối giai đoạn phân phối, cổ phiếu thường xuất hiện phiên giao dịch khủng, trong phiên này giá cổ phiếu giảm mạnh với thanh khoản tăng đột biến do các nhà đầu tư lớn bán ra một cách dứt khoát hơn. Sau đó cổ phiếu chính thức bước vào xu hướng giảm.

Hành động như thế nào khi phát hiện cổ phiếu phân phối đỉnh

Khi đã xác định được phân phối đỉnh, nhà đầu tư có thể bán ra để chốt lời. Đặc biệt nếu giá cổ phiếu đã tăng mạnh mà thị trường liên tục xuất hiện những thông tin tích cực, nhà đầu tư nên có sự cảnh giá nếu muốn mua thêm cổ phiếu.

Do không có gì là chính xác tuyệt đối trên thị trường chứng khoán, việc chia tỉ trọng danh mục là hết sức cần thiết để hạn chế rủi ro. Nếu nhận thấy có dấu hiệu phân phối, nhà đầu tư có thể giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu và theo dõi tiếp, đến khi xuất hiện phiên phân phối điển hình thì có thể cân nhắc việc bán toàn bộ cổ phiếu đó trong danh mục và tìm kiếm cơ hội mới.

Một số minh họa về phân phối đỉnh

VN30-Index tạo mô hình hai đỉnh

Ví dụ về VN30-Index cho thấy, hiện tượng phân phối đỉnh không chỉ xảy ra ở riêng các cổ phiếu mà còn xảy ra đối với thị trường chung. Cụ thể, sau giai đoạn tăng giá từ đầu năm 2019, chỉ số này chứng kiến phiên giảm mạnh vào ngày 26/2.

Sau ba phiên phân phối lần thứ nhất, chỉ số này có nhịp hồi phục, tuy nhiên không vượt qua được mức đỉnh cũ 930 điểm. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch trong vùng giá này liên tục cao hơn giai đoạn trước đó.

Sau phiên phân phối điển hình ngày 20/3, VN30-Index bước vào chuỗi giảm điểm hơn 9% về quanh mốc 850 điểm.

vn30

VN30-Index phân phối đỉnh theo mô hình hai đỉnh. Nguồn: TradingView

Cổ phiếu ROS tạo vùng phân phối

Giai đoạn từ tháng 12/2016 - 3/2017, cổ phiếu ROS tăng giá gần 70% với khối lượng trung bình khoảng 2,5 triệu đơn vị mỗi phiên. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 16/3/2017, cổ phiếu này cho dấu hiệu phân phối đầu tiên khi chứng kiến cây nến giảm mạnh và trong khi khối lượng tăng đột biến 5,6 triệu đơn vị. 

Giai đoạn sau đó, cổ phiếu ROS lình xình trong biên độ từ 118.000 - 130.000 đồng/cp, tuy nhiên khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức cao với hơn 7 triệu đơn vị mỗi phiên, thậm chí có phiên khớp tới gần 10 triệu đơn vị.

Kết quả sau khi phân phối, cổ phiếu này rơi mạnh, bốc hơi mất gần 50% trong thời gian chỉ một tháng.

ros

Cổ phiếu ROS tạo vùng phân phối trước khi giảm giá. Nguồn: TradingView

Cổ phiếu SRA đảo chiều giảm giá sau một phiên

Hiện tượng phân phối trong một phiên thường diễn ra ở các cổ phiếu có thanh khoản thấp thường tăng trần giảm sàn, đặc biệt là cổ phiếu penny vốn có mức độ rủi ro cao.

Đối với cổ phiếu SRA, mã này chứng kiến chuỗi những phiên tăng trần liên tiếp và tăng tới 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Phiên 6/9/2018, cổ phiếu SRA tiếp tục mở cửa tại giá trần 26.140 đồng/cp, sau đó bất ngờ bị bán mạnh đến cuối phiên tạo nên cây nến đỏ, đảo ngược hoàn toàn xu hướng tăng trước đó. 

Hệ quả là cổ phiếu chứng kiến chuỗi giảm dài sau đó, về còn 9.900 đồng/cp vào ngày 1/10/2018.

sra

Cổ phiếu SRA đảo chiều rơi mạnh chỉ sau một phiên giao dịch. Nguồn: TradingView

Nhà đầu tư cần lưu ý hiện tượng phân phối đỉnh đôi khi có thể bị nhầm lẫn với hiện tượng tích lũy tạo đáy của cổ phiếu, do đó cần tập trung vào khối lượng giao dịch trong vùng này. Nếu khối lượng giao dịch luôn duy trì cao thì đó là phân phối đỉnh, ngược lại nếu khối lượng giảm dần qua các phiên sẽ là tích lũy tạo đáy. 

Sơn Tùng