|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà bán khống xóa sổ 173 tỷ USD vốn hóa các doanh nghiệp, bất chấp rủi ro cao nhưng chỉ thu lợi nhuận nhỏ

21:29 | 12/08/2023
Chia sẻ
Trong năm nay, nhà bán khống Nate Anderson đã khiến tổng tài sản ròng của ba tỷ phú bốc hơi 99 tỷ USD và làm cho vốn hóa của những công ty do họ điều hành giảm đến 173 tỷ USD.

Ông Nate Anderson, người sáng lập Hindenburg Research. (Ảnh: Redux).

Ảnh hưởng khổng lồ

Ông trùm kinh doanh Ấn Độ Gautam Adani, tỷ phú công nghệ Jack Dorsey và huyền thoại đầu tư Carl Icahn đều là những người giỏi hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Và cả ba người đều chứng kiến tài sản lao dốc bởi nhà bán khống Nate Anderson.

Chỉ trong vài tháng vào đầu năm nay, ông Anderson đã xóa sổ tới 99 tỷ USD tổng tài sản ròng của ba vị tỷ phú trên, đồng thời khiến vốn hóa của những công ty đại chúng do họ thành lập bốc hơi 173 tỷ USD.

Ngày nay, những nhà bán khống lừng lẫy một thời đã rút lui khỏi ánh đèn sân khấu do lo sợ các vụ kiện tụng, sự điều tra của chính phủ và sự tấn công của những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh này, ông Anderson đã nổi lên thành tay bán khống gan dạ nhất. Những đồng minh nói rằng ông Anderson có nguy cơ bị khởi kiện dân sự và thậm chí có khả năng bị bắt giữ ở nước ngoài.

Điều đáng ngạc nhiên là ông Anderson, 39 tuổi, người vận hành công ty Hindenburg Research nhỏ xíu với khoảng chục nhà nghiên cứu khác, chỉ gặt hát được lợi nhuận tương đối nhỏ từ những trận chiến trên.

Ví dụ, báo cáo ngày 2/5 của Hindenburg cáo buộc công ty Icahn Enterprises đã định giá tài sản quá cao. Chỉ trong 4 tuần, cổ phiếu Icahn Enterprises đã cắm đầu giảm mạnh, khiến tài sản ròng của “sói già Phố Wall” bốc hơi 17 tỷ USD.

Nhưng tổng lợi nhuận của tất cả những người đã bán khống cổ phiếu Icahn Enterprises sẽ chỉ vào khoảng 56 triệu USD nếu họ lựa chọn thời điểm thoát vị thế hoàn hảo, theo dữ liệu từ S3 Partners. Đó còn chưa kể họ phải tốn kém chi phí để đặt vị thế ban đầu.

Khi đối đầu với đế chế của tỷ phú Ấn Độ Adani, ông Anderson đã bán khống trái phiếu. Những chiến binh kỳ cựu trong thị trường nợ doanh nghiệp nói rằng rất khó để xây dựng vị thế lớn. Do vậy, ông Anderson có thể chỉ bán khống được nhiều nhất là khoảng 50 triệu USD trái phiếu đồng USD của tập đoàn Adani.

Và lợi nhuận ông thu được từ việc đặt cược chống lại công ty thanh toán Block của tỷ phú Jack Dorsey nhiều khả năng còn khiêm tốn hơn, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu thị trường.

Những người thân thiết của ông Anderson nói rõ rằng tiền bạc không phải mục tiêu chính của nhà bán khống này. Ông Anderson thuê một căn hộ hai phòng ngủ cao cấp ở Manhattan, và nói rằng ông đang có “cuộc sống rất tốt”.

Động lực của ông là vạch trần những hành vi ông coi là sai trái và giáng đòn vào các công ty bị thổi phồng quá mức. Một người cùng ngành nhận xét ông Anderson có tư duy cổ điển của một nhà bán khống: ham muốn tìm hiểu xem thế giới đang lệch lạc như thế nào và chỉ ra điều đó.

Ông Anderson đã thu hút được sự chú ý chưa từng có trong năm nay. Hồi tháng 1, ông làm náo loạn thị trường quốc tế khi nhắm vào Adani Group - tập đoàn gồm 10 công ty đại chúng lớn được điều hành bởi người giàu thứ 4 thế giới khi đó. Adani Enterprises, công ty chủ chốt của tập đoàn, mất một nửa giá thị trường chỉ trong vài ngày.

Vào cuối tháng 3, ông Anderson bán khống Block, dẫn đến việc cổ phiếu công ty rớt hơn 16% cho đến cuối tuần đó. Đến tháng 5, ông chĩa mũi dùi sang Icahn Enterprises. Giá cổ phiếu này giảm đến 59% trong tháng đó.

Cả ba báo cáo mà Hindenburg Research công bố đều bị phản đối dữ dội bởi ba công ty bị nhắm đến và những người điều hành doanh nghiệp. Và cả ba đều đạt được hoặc vượt quá tác động mà Hindenburg thường gây ra đối với giá cổ phiếu.

Kể từ năm 2020, Hindenburg đã nhắm vào khoảng 30 công ty, dẫn đến cổ phiếu của họ giảm trung bình khoảng 15% trong ngày tiếp theo.

 

Rủi ro lớn, phần thưởng nhỏ

Báo cáo từ một tay bán khống có tiếng có thể khiến giá cổ phiếu tụt dốc ngay trước cả khi thị trường kịp tranh cãi đúng sai. Điều này có thể gây ra hậu quả đặc biệt nặng nề với những nhà đầu tư nhỏ, bởi họ không thể phản ứng nhanh chóng.

Các doanh nghiệp và cổ đông ngày càng chỉ trích hoạt động bán khống, khiến Quốc hội Mỹ phải tổ chức các cuộc điều trần. Bộ Tư pháp Mỹ vì lo ngại về hành vi thao túng thị trường nên đã rà soát mối liên hệ giữa những tay bán khống trong những năm gần đây.

Những áp lực này đã khiến một số nhà bán khống nổi tiếng như ông Andrew Left, nhà sáng lập Citron Research, quyết định rút khỏi cuộc chơi. Trong khi đó, ông Anderson lại là người đi ngược với xu hướng chung.

Các mối đe dọa pháp lý ở Mỹ là có thật. Nhưng những nhà bán khống còn gặp rủi ro nhiều hơn tại thị trường nước ngoài. Tại Ấn Độ, phỉ báng có thể bị coi là phạm tội hình sự và việc bán khống cổ phiếu thường chỉ được thực hiện thông qua hợp đồng tương lai.

Theo tờ Bloomberg, một số nhà bán khống nói rằng nếu ở vị trí của ông Anderson, họ sẽ lo lắng về nguy cơ bị truy tố ở Ấn Độ, bị truy nã đỏ bởi Interpol, hoặc thậm chí gây ra sự cố địa chính trị bởi tỷ phú Adani được cho là có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Narendra Modi. 

Dẫu Hinderburg có kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận từ việc bán khống, đây vẫn chỉ là con số nhỏ khi so với tiêu chuẩn của các công ty Phố Wall lớn. Và con số này chẳng thấm vào đâu so với những gì các cổ đông của công ty mục tiêu bị mất.

Bán khống thường bắt đầu bằng việc đi vay và bán ra cổ phiếu, với mục tiêu mua lại sau này với giá thấp hơn nhằm bỏ túi phần chênh lệch. Phe bán khống chỉ có thể lãi tối đa 100% nhưng khoản lỗ tiềm tàng là vô hạn.

Giang