Nguyên tắc 'chậm mà chắc' giúp IKEA phủ sóng khắp thế giới, trong khi các hãng bán lẻ khác nếm đòn đau
IKEA dự định rót 450 triệu USD xây dựng hệ thống kho hàng ở Hà Nội |
IKEA rót 450 triệu USD vào Việt Nam
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất Thuỵ Điển IKEA có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD. Sau khi hoàn tất, hệ thống sẽ cung ứng hàng cho toàn bộ thị trường Đông Nam Á.
Đây là thông tin gây sốt của ngành bán lẻ Việt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh đồ nội thất. Năm 2017, ông Torbjorn Loof – Giám đốc điều hành của IKEA - cũng tiết lộ về kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam trong vòng vài năm tới. Hiện nay, giới truyền thông chưa có thông tin chính thức về khoảng thời gian mà IKEA sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam.
Với một chiến lược kinh doanh khác biệt, “chậm mà chắc” - IKEA dần hiện diện và phủ sóng toàn cầu. Là thương hiệu sở hữu chuỗi cửa hàng đồ nội thất lớn nhất thế giới, IKEA hiện nay có hơn 400 cửa hàng tại 49 quốc gia khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Á và Úc.
Nếu không tính các chuỗi đồ ăn nhanh, không một công ty nào trên hành tinh hoạt động ở nhiều quốc gia như IKEA.
IKEA rót 450 triệu USD vào Việt Nam. |
IKEA không phải chịu đòn đau trong nỗ lực mở rộng toàn cầu
Hàng loạt cửa hàng đóng cửa trên khắp thế giới, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc và Châu Á. Cú vấp ngã của hai đại gia Mỹ là Home Depot và Best Buy cũng là ví dụ tiêu biểu.
Tương tự, hai tập đoàn Châu Âu – Carrefour và Marks&Spencer - cũng hứng chịu tổn thất trong nỗ lực mở rộng toàn cầu.
Và không thể nhắc đến đế chế bán lẻ Walmart. Họ đã tạo cú hích lớn ở khắp nơi từ Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ rồi cuối cùng cũng quay lại Mỹ khi những tham vọng bành trướng sụp đổ trước mắt. Chỉ thị trường Mexico và Trung Quốc đón nhận Walmart, và đây được xem là một trong những bài học điển hình của mô hình kinh doanh thành công.
Còn IKEA? Sự thật là các cửa hàng do IKEA sở hữu và vận hành chỉ hiện diện ở 24 quốc gia. Đối với các thị trường còn lại, họ áp dụng hình thức nhượng quyền. Tuy nhiên, thực tế ấy không làm giảm danh tiếng của IKEA.
Bí quyết khiến IKEA trở nên khác biệt
Mở rộng toàn cầu là một phần chiến lược của IKEA ngay từ đầu
IKEA xuất thân từ thị trường nội địa rất nhỏ - Thuỵ Điển. Và những nhà quản lý IKEA đã sớm nhận ra rằng nếu muốn công ty phát triển, họ sẽ phải vượt ra khỏi biên giới.
Ngay từ đầu, mở rộng toàn cầu đã là một phần chiến lược của IKEA, không giống như các nhà bán lẻ khác đến khi thị trường nội địa đã bão hoà mới bắt đầu tìm cách mở rộng và tìm kiếm giải pháp.
Nguyên tắc trụ cột: Kiên nhẫn
Kiên nhẫn không chỉ là một đức tính mà còn là một nguyên tắc trụ cột của IKEA trong chiến lược phát triển toàn cầu.
Cửa hàng IKEA đầu tiên được mở tại Mỹ năm 1985. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm sau đó, cửa hàng thứ hai mới mọc lên. Thậm chí ngày nay, IKEA cũng chỉ sở hữu khoảng 45 cửa hàng ở nước Mỹ.
IKEA phải hoãn việc mở cửa hàng tại Ấn Độ vài lần, sau khi điều chỉnh lại mọi thứ để đảm bảo họ có bước đi đúng ngay từ đầu. Đối với nhiều nhà bán lẻ thì thứ tự là ‘mở trước, tính toán sau”.
Trong khi nhất quán mô hình kinh doanh thì IKEA cũng thích ứng với thị hiếu địa phương
Hãng bán lẻ Thuỵ Điển đã chú tâm vào việc nhất quán đặc tính và mô hình kinh doanh của công ty trong khi cố gắng thích ứng với văn hoá và thị hiếu của địa phương. Chẳng hạn, ở các thị trường trước đó, cửa hàng IKEA không cung cấp dịch vụ lắp ráp tại chỗ cho đến khi gia nhập Ấn Độ. Sự thay đổi ấy cần thiết vì người dân Ấn Độ vốn không có thói quen tự làm những việc như vậy.
Còn ở Mỹ, IKEA sớm nhận ra rằng nếu họ bán các sản phẩm như khăn trải giường, chúng cần được điều chỉnh về kích cỡ.
Đơn giản là tốt nhất
Phong cách thiết kế đơn giản của IKEA tồn tại lâu dài ở mọi nơi. Bằng chứng là các sản phẩm IKEA trên khắp các lãnh thổ với những nền văn hoá khác nhau.
Ngay cả việc lựa chọn cái tên “IKEA” rất riêng biệt cũng là một phần chiến lược của công ty. Họ cũng lựa chọn những cái tên sản phẩm hết sức kỳ cục - chẳng hạn như “Fyrkantig”? Bằng cách này, công ty không phải dịch những cái tên sản phẩm của họ sang nhiều thứ tiếng khác nhau.
Hình ảnh một cửa hàng IKEA. Nguồn: Quatz |
Không phụ thuộc vào nguồn cung ứng sản phẩm nhất định
IKEA có nguồn cung ứng sản phẩm toàn cầu. Bằng cách mua các hàng hoá khắp nơi trên thế giới – không chỉ ở Trung Quốc hay Ấn Độ, hãng đã phát triển hệ thống tiết kiệm và kịp thời để đưa sản phẩm từ nhà máy đến cửa hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Không đắt, nhưng cũng không quá rẻ
Chuyên gia về bán lẻ Warren Shoulberg nhận xét: “Cách mà IKEA định giá các sản phẩm của họ là hoàn hảo”. Với số tiền bỏ ra cho một sản phẩm của Aldi, khách hàng có thể sở hữu được món đồ của IKEA sau khi được giảm giá. Điều này khiến họ định vị giá trị của IKEA cao hơn.
Tuy nhiên, IKEA cũng rẻ hơn nhiều so với các đối thủ như West Elm and Bed, Bath &Beyond.
Với những chiến lược thông minh, Forbes và Bussiness Insider nhận định không nhà bán lẻ nào đưa ra chiến lược toàn cầu tốt hơn IKEA.