|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nguyên Phó VP Thành ủy liên quan thế nào đến khu đất bán cho Cường "đô la"

11:25 | 26/03/2019
Chia sẻ
Bán rẻ hơn 32 ha đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (huyện Nhà Bè), nguyên Phó Chánh VP Thành ủy TP.HCM ông Phạm Văn Thông bị cắt chức.
Nguyên Phó VP Thành ủy liên quan thế nào đến khu đất bán cho Cường đô la - Ảnh 1.

Khu đất mặc dù nằm ven sông Sài Gòn nhưng trong tình trạng đền bù không tập trung, còn da beo...

Nhiều lãnh đạo đã bị kỷ luật

Liên quan đến việc Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, sáng 26/3, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, các cơ quan chức năng TP.HCM đang tiếp tục làm rõ những sai phạm của ông Phạm Ngọc Thông để xử lý về các hành vi vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản; vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Trước đó, khi còn tại chức, ông Phạm Văn Thông được Thành ủy TP.HCM phân công giúp Chánh Văn phòng Thành ủy (lúc bấy giò là bà Thái Thị Bích Liên) thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp của Đảng bộ thành phố nhưng ông Thông đã thiếu trách nhiệm vụ được giao nên để xảy ra sai phạm tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, thực hiện hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Tại dự án nói trên, ông Thông được phân công đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp của Đảng bộ thành phố - chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển huyện Nhà Bè.

Liên quan đến vụ này, bà Thái Thị Bích Liên cũng đã bị kỷ luật do các vi phạm, thiếu sót trong công tác tham mưu và thực hiện trách nhiệm được ủy quyền đại diện chủ sở hữu quản lý tài sản tại các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ TP.

Cũng liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản; vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, ông Tất Thành Cang, lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thường trực cũng kiểm điểm trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ông Cang được cho là đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định. Sau đó, ông Cang đã bị trung ương bị kỷ luật cắt hết các chức vụ trong Đảng...

Đất 32 ha được bán thế nào?

Theo Thành ủy TP.HCM, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Quá trình chuyển nhượng không thông qua đấu giá và được cho là thiếu minh bạch với giá rẻ được cho là bất thường, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Trước khi bán đứt khu đất này, ngày 26/4/2017, Công ty Tân Thuận chỉ đề nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận cho hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Phước Kiển với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Quy mô dự án là 50 ha, trong đó đất thuộc Văn phòng Thành uỷ quản lý là khoảng 32 ha (hơn 320.000 m2).

Ngay sau khi có thông tin, ngày 5/12/2017 Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất này. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành định giá cho thấy khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ có hơn 480 m2 là đất ở. Nhưng trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân được tính là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ đồng của nhà nước.

Ngày 23/12/2017 giữa Văn phòng Thành ủy, Công ty Tân Thuận, Công ty QCGL, tại cuộc họp có nêu công văn số 13026/STNMT-KTĐ ngày 13/12/2017 và thuyết minh kết quả của Sở TNMT đã rà soát và có ý kiến về giá đất để tính bồi thường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất hoặc trường hợp được khấu trừ nếu được chuyển mục đích sử dụng đất làm dự án thương mại đối với phần diện tích đất này. Đến ngày 27/12/2017 Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo cho Thường trực Thành ủy.

Ngày 9/2/2018, Công ty Tân Thuận và Công ty QCGL ký phụ lục hợp đồng số 03 điều chỉnh giá hợp đồng sau khi tham khảo các ý kiến của các Ban ngành và Sở TNMT. Tổng giá trị hợp đồng sau khi ký phụ lục là 574,4 tỷ (chưa VAT), 632 tỷ (có VAT), bình quân 1.768.000 đồng/m2 (chưa VAT) với giá 1.944.800 đồng/m2 (có VAT). Nghĩa là thay vì giá ban đầu là 1,29 triệu đồng năm 2017 đồng/m2 lên thành 1,944.00 đồng/m2 (gần 2 triệu).

Ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy họp nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo việc chuyển đất tại khu dân cư Phước Kiển. Qua thảo luận, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy: Việc ký kết hợp đồng này không đúng với Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố ban hành theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 3/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục yêu cầu công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.

Đất đền bù không tập trung, còn “da beo”, nhiều nơi không có đường...

Trước đó như Giao Thông thông tin, trong văn bản phản hồi gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) năm 2018, đại diện Quốc Cường Gai Lai (QCGL) cho biết, khu đất 32ha đất thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè là đất nông nghiệp với diện tích đất được đền bù không tập trung, còn da beo rất nhiều, không có mặt tiền, và không có đường vào khu đất.

Các thửa đất mà công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL là đất nông nghiệp, công ty Tân Thuận đã dùng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (kinh doanh bất động sản) để thương lượng đền bù trực tiếp với các người dân. QCGL cũng đã và đang tiếp tục đền bù các thửa đất trong khu đất này. Vì hiện nay Tân Thuận chỉ mới chuyển nhượng cho QCGL 32,4ha/50ha.

Lý giải về việc công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án cho QCGL, QCGL cho hay năng lực công ty thực hiện phải đáp ứng được 20% vốn đối ứng của công ty so với tổng mức đầu tư dự án 50ha này khoảng 5.000 tỷ (áp theo suất đầu tư của Bộ Xây Dựng quy định).

Vì vậy điều kiện để thực hiện dự án thì công ty Tân Thuận phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty Tân Thuận là 126 tỷ. Vì vậy công ty Tân Thuận không chứng minh đủ năng lực và không đền bù tiếp sẽ không thực hiện được dự án, buộc phải bán 32,4 ha đất đã đền bù.

Yên Trang

[LIVE] ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú nói về đề xuất bãi nhiệm
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng xem xét các tờ trình như chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT.