|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà ‘đổ tiền’ vào Đà Nẵng

08:44 | 04/03/2019
Chia sẻ
Đà Nẵng hiện nay đang là trung tâm giáo dục, y tế của miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa mặn mà "đổ tiền" mạnh vào có lí do cả về con người, quỹ đất và chính sách ưu đãi.

Gần 4 tỉ USD thu hút đầu tư vào Đà Nẵng 2 tháng đầu năm 2019

Ngày 1/3, tại chương trình Tọa đàm mùa xuân năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án, với tổng số vốn là gần 500 triệu USD.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng đồng thời trao thông báo nghiên cứu đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng kí đầu tư 3,48 tỉ USD. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, chính quyền thành phố biển đã thu hút được gần 4 tỉ USD "rót vào" đầu tư. 

Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà ‘đổ tiền’ vào Đà Nẵng - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị Đà Nẵng hiện nay. (Ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2018, khi TP Đà Nẵng chọn là "Năm thu hút đầu tư" thì số tiền nhà đầu tư nước ngoài rót vô cùng khiêm tốn, chỉ 153,7 triệu USD; đầu tư trong nước là 6.350,2 tỉ đồng. Vì sao lại có sự khập khiễng việc thu hút đầu tư như vậy? 

Công nghiệp phụ trợ hạn chế, sức hút đầu tư ngân hàng chưa đủ

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thu hút đầu tư FDI năm 2018 tăng cả về số lượng dự án lẫn tổng vốn đầu tư so với cùng kì năm 2017. Song, rất nhiều dự án có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đăng ký đầu tư; các dự án có quy mô dự án có quy mô lớn, đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế.

Để bảo đảm môi trường du lịch và phát triển bền vững, Đà Nẵng chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch. Việc lựa chọn này phần nào cũng làm giảm cơ hội thu hút vốn FDI vào thành phố trong thời gian qua.

Một nguyên nhân khác đó là nguồn nhân lực TP Đà Nẵng không đủ đáp ứng nhu cầu và thiếu một số kỹ năng mềm, ngoại ngữ nên ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư vào Đà Nẵng.

Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà ‘đổ tiền’ vào Đà Nẵng - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Long Hậu (LHC) tổ chức lễ khởi công nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu – Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao ngày 28/2. (Ảnh: UBND TP Đà Nẵng).

Theo báo cáo Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, hiện nay quỹ đất trong và ngoài khu công nghiệp của Đà Nẵng không còn nhiều. Trong khi đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ngoài các khu công nghiệp và khu công nghệ cao phải thực hiện thông qua đấu giá, đấu thầu và phải trải qua nhiều thủ tục nên đã không đáp ứng kịp thời về địa điểm để nhà đầu tư quyết định đầu tư tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng hiện nay là trung tâm giáo dục, y tế của miền Trung và Tây Nguyên nhưng điều quan trọng nhất cho phát triển của các doanh nghiệp đó chính là dịch vụ tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung chưa thực sự phát triển nên chưa đủ sức thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng hoạt động.

Trong khi đó, chính sách tiền lương theo khu vực cũng đã có nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động tại Đà Nẵng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hút đầu tư. Nguồn lao động chủ yếu của Đà Nẵng đến từ các khu vực lân cận (tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi...) nhưng mức lương vùng của Đà Nẵng bằng với các địa phương này nên nhiều người lao động quyết định làm việc tại địa phương thay vì đến Đà Nẵng để tìm việc làm.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng: Lao động đang là nút thắt lớn đối với phát triển kinh tế của Đà Nẵng

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng phát biểu tại Tọa đàm mùa xuân năm 2019 rằng: Những tiền đề quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 nằm ở các nguồn lực "mềm", nhất là nguồn nhân lực năng động, sáng tạo và chất lượng cao.

Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà ‘đổ tiền’ vào Đà Nẵng - Ảnh 3.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng (bên trái ảnh) trao giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư vào Đà Nẵng năm 2019. (Ảnh: Văn Luận).

Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ về nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư, Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính và định hướng đầu tư.

Thời gian đến, TP Đà Nẵng cần nghiêm túc rà soát tình trạng cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, nhanh chóng khắc phục các tồn tại và có kế hoạch đầu tư mới hạ tầng còn thiếu, bao gồm kết nối giao thông công cộng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

"Đà Nẵng đầu tư theo quy hoạch, chứ không phải quy hoạch chạy theo đầu tư. Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc cải cách và phát triển của Đà Nẵng", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, vấn đề lao động đang là nút thắt lớn đối với phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Chính quyền TP cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề tồn tại về cơ cấu và chất lượng lao động hiện nay, có kế hoạch dự báo cụ thể và chủ động tạo nguồn lao động trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Về môi trường đầu tư và kinh doanh, Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về môi trường đầu tư, kinh doanh và sẽ tiếp tục phấn đấu như vậy. Tuy nhiên, các chỉ số ấy vẫn là chưa đủ đối với Đà Nẵng - một TP luôn nỗ lực cho khát vọng vươn lên, để giữ vị trí dẫn đầu và vị thế tiên phong.

Muốn vậy, Đà Nẵng phải rà soát lại một cách thực chất các chỉ số này và tiếp tục xây dựng hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát các tiêu chí quốc tế, đảm bảo chắc chắn rằng, vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp tin cậy. 

Vinamilk được nghiên cứu đầu tư trang trại bò sữa tại Đà NẵngVinamilk được nghiên cứu đầu tư trang trại bò sữa tại Đà Nẵng Tập đoàn Mỹ Tập đoàn Mỹ 'rót' 170 triệu USD vào Đà Nẵng sản xuất linh kiện làm máy bay kí kết tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều

 

Văn Luận - Hà Hương