|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ thiếu hụt nguồn con giống cá tra

15:11 | 19/04/2018
Chia sẻ
Với mục tiêu đạt sản lượng hơn 1,3 triệu tấn cá thương phẩm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2-2,2 tỷ USD trong năm 2018, ngành cá tra Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn con giống…
nguy co thieu hut nguon con giong ca tra Tiêu chuẩn xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ngày càng khắt khe
nguy co thieu hut nguon con giong ca tra Ba nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành cá tra 2018

Giá cá tra giống tăng kỷ lục

Hiện nay, vùng nguyên liệu chính của ngành cá tra Việt Nam tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một số địa phương có diện tích thả nuôi các tra lớn là: Đồng Tháp (2.532ha), Bến Tre (777,4ha), An Giang (770ha), Cần Thơ (603ha), Vĩnh Long (263,6ha), Hậu Giang (106,6ha)… Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2017, ĐBSCL có tổng diện tích mặt nước thả nuôi cá tra hơn 5.230ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,25 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD; đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Để đạt được sản lượng thu hoạch và đáp ứng diện tích thả nuôi nói trên, các địa phương ở ĐBSCL đã sử dụng hơn 1,9 tỷ con cá tra giống. Báo cáo của ngành chức năng các địa phương cho thấy, tuy các cơ sở sản xuất con giống trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu giống cục bộ. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, mưa bất thường, dịch bệnh cùng sự biến động lớn của các yếu tố môi trường, khiến tình hình sản xuất cá tra giống gặp nhiều khó khăn.

nguy co thieu hut nguon con giong ca tra
Trong năm 2018, ngành cá Việt Nam cần đến 2,2 tỉ con giống để đạt sản lượng 1,3 triệu tấn cá thương phẩm.

Tình trạng thiếu cục bộ làm cho giá cá giống luôn dao động và có chiều hướng tăng. Ông Trương Văn Điền, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Phú Thuận B (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Từ giữa tháng 3-2018, giá cá giống lên tới 65.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều cơ sở sản xuất con giống không đủ để cung cấp cho thị trường".

Trước đó, theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), đầu năm 2017 giá cá tra giống dao động từ 27.000 đồng đến 39.000 đồng/kg, thời điểm giữa năm giảm xuống 17.000 đồng/kg, đến cuối năm thì giá cá giống tăng lên khoảng 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Điều phấn khởi là mặc dù giá cá giống tăng, cùng với đó giá cá thương phẩm cũng tăng cao, cả cơ sở sản xuất con giống, người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi.

Mặc dù vậy, ông Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) lo ngại: Với mục tiêu sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đặt ra trong năm 2018, ngành cá tra Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức. Ngay từ đầu năm 2018, nguồn cung giống đã có dấu hiệu sụt giảm do lượng con giống bị thiệt hại nghiêm trọng, chất lượng không bảo đảm, kéo theo đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Nguồn cung con giống không ổn định

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2-2,2 tỷ USD, ngành cá tra Việt Nam phải đạt sản lượng hơn 1,3 triệu tấn, do đó cần đến 2,2 tỷ con giống".

Nhu cầu về con giống rất lớn, trong khi theo báo cáo của ngành chức năng, nguồn cung con giống thiếu ổn định, tăng trưởng không bền vững. “Chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, dẫn tới hiệu quả sản xuất thấp. Ngay từ đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra trên giai đoạn cá giống ở một số địa phương sản xuất giống trọng điểm có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp giống trong những tháng tiếp theo”, ông Nguyễn Ngọc Oai cảnh báo.

Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: Toàn tỉnh có gần 64ha sản xuất giống cá tra, sản lượng ước đạt hơn 38 triệu con, mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu con giống của tỉnh. Tỷ lệ nguồn giống còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… không thực hiện kiểm dịch nên khó kiểm soát chất lượng, tỷ lệ hao hụt cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cũng cho rằng, năng lực sản xuất cá tra giống của địa phương còn yếu, không đáp ứng nhu cầu thả nuôi. Đa số các cơ sở sản xuất giống có quy mô nhỏ, phân tán, cơ sở vật chất yếu kém, nguồn cung không ổn định.

Tại tỉnh Đồng Tháp, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù hằng năm các cơ sở trên địa bàn sản xuất hơn một tỷ con giống, đủ khả năng phủ kín diện tích nuôi thương phẩm của tỉnh và cung cấp cho các nơi khác, nhưng tình hình sản xuất con giống đang gặp bất lợi bởi ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, một số bệnh phổ biến của con giống (như bệnh gan thận mủ, xù thân thúi đuôi) chưa được điều trị hiệu quả. Mặc khác, việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, chạy theo thị trường của các cơ sở sản xuất cũng khiến cho chất lượng con giống không đồng đều.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018 được tổ chức vào giữa tháng 3-2018 ở TP Cần Thơ, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là giai đoạn mà ngành cá tra Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề con giống; phải bảo đảm đủ lượng cung cấp, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng giống. Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2-2,2 tỷ USD là kỳ vọng lớn, nhưng cũng là bài toán khó, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của cả ngành và các địa phương.

Hồng Đăng