|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào 2022 - 2023, Chính phủ đồng ý triển khai các dự án điện cấp bách

11:46 | 19/08/2019
Chia sẻ
Giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của EVN, áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ...

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025 vừa được Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận số 280/TB-VPCP ngày 6/8.

Theo thông báo kết luận, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện đang rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có qui mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. 

Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan phải đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong bất kì tình huống nào.

31

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Theo đó, nhằm đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng qui định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện.

Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của EVN như các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B), các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng.

Đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao EVN thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân III với tỉ lệ hợp lí, tối đa 30%. 

Đồng ý về nguyên tắc xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.

Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét cụ thể về đề nghị của EVN về việc cho phép các chủ đầu tư nhà máy điện đấu thầu mua LNG để bổ sung cho các nguồn khí cho phát điện, đấu thầu thuê hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi (chạy LNG) để có thể bổ sung nguồn cấp từ năm 2021.

Đồng thời một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của thông báo kết luận là báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Như Huỳnh